Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Tìm hiểu thuế TNCN - Phần 1

nguồn tin: Webketoan

I. KHÁI NIỆM THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

1. Khái niệm.

Thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, đối tượng nộp thuế này là mọi dân cư trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở nước sở tại không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội. Ðồng thời, tùy theo tính chất của các khoản thu nhập cá nhân, người ta chia thu nhập làm hai loại: thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên để tính thuế cho phù hợp. Lần đầu tiên ở Anh vào năm 1799 thuế thu nhập cá nhân được đưa vào thực hiện như một hình thức thu tạm thời nhằm mục đích trang trải cho cuộc chiến tranh chống Pháp và được chính thức áp dụng vào năm 1942. Sau đó nhiều nước tư bản phát triển khác cũng áp dụng thuế này như: ở Nhật năm 1887, Ðức 1899, Mỹ 1903, pháp 1916 và Liên Xô năm 1922.

Hiện nay trên thế giới có 02 phương pháp đánh thuế: (1) Có nước tính thuế vào từng khoản thu nhập thực tế của mỗi cá nhân, (2) có nước tính thuế trên tổng thu nhập của cả hộ gia đình:

· Cách thứ nhất được áp dụng phổ biến ở Anh, Nhật, Thụy Ðiển, các nước Châu Phi, Liên Xô, Hunggari, Tiệp khắc...Ưu điểm của cách này là đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Nhưng có nhược điểm là chưa đảm bảo yêu cầu phân phối lại thu nhập quốc dân qua thuế sao cho có hiệu qủa và đáp ứng được sự công bằng xã hội và nhất là đối với những cá nhân có nhiều khẩu ăn theo.

· Cách thứ hai được áp dụng ở Pháp, Hà Lan...Các chuyên gia cho rằng cách này công bằng hơn về mặt đạo đức xã hội nhưng không kịp thời vì mỗi gia đình đều có ít nhất hai người trở lên. Ðã có nhiều người thì sẽ có nhiều khoản thu nhập khác nhau, do đó phải mở sổ sách kế toán, theo dõi từng nguồn thu nhập và phải đối chiếu với nơi phát sinh thu nhập, vì có nhiều phức tạp nên rất ít quốc gia áp dụng cách thứ hai.

Như vậy:

- Thuế thu nhập cá nhân là lại thuế trực thu đánh vào thu nhập chính đáng của từng cá nhân. Do là thuế trực thu nên nó phản ánh sự đồng nhất giữa đối tượng nộp thuế theo luật và đối tượng chịu thuế theo ý nghĩa kinh tế. Người chịu thuế thu nhập cá nhân không có khả năng chuyển giao gánh nặng thuế khoá sang cho các đối tượng khác tại thời điểm đánh thuế.

- Thuế TNCN có diện đánh thuế rất rộng, thể hiện trên hai khía cạnh: một là đối tượng đánh thuế TNCN là toàn bộ các khoản thu nhập của cá nhân thuộc diện đánh thuế không phân biệt thu nhập đó có nguồn gốc phát sinh trong nước hay ở nước ngoài; hai là đối tượng phải kê khai nộp thuế TNCN là toàn bộ những người có thu nhập, bao gồm tất cả công dân của nước sở tại và những người nước ngoài cư trú thường xuyên hay không thường xuyên nhưng có số ngày có mặt, làm việc, có thu nhập theo mức độ quy định của pháp luật thuế TNCN.

- Thuế TNCN là một loại thuế thu nhập nhưng khác với thuế Thu nhập doanh nghiệp ở chỗ nó có tính tất yếu gắn với chính sách xã hội của mỗi quốc gia cho dù quốc gia đó có mục tiêu hoàn thiện chính sách thuế, xây dựng một chính sách thuế có tính trung lập không nhằm nhiều mục tiêu khác nhau. Thể hiện, nó luôn quy định loại trừ một số khoản thu nhập trước khi tính thuế TNCN như thu nhập mang tính trợ cấp xã hội, khoản chi cần thiết cho cuộc sống cá nhân, gia đình người nộp thuế, khoản chi mang tính nhân đạo xã hội…

- Thuế TNCN có góc độ kỹ thuật tính thuế khá phức tạp bởi diện đánh thuế rộng, liên quan chặt chẽ với hoành cảnh cá nhân, chính sách xã hội cụ thể, có áp dụng phương pháp luỹ tiến. Có như vậy mới đảm bảo công bằng xã hội, người có thu nhập cao hơn thì trước và sau khi nộp thuế họ vẫn còn một khoản thu nhập cao hơn so với người có thu nhập thấp khi chưa nộp thuế.

Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chính quyền Sài Gòn đã áp dụng thuế thu nhập cá nhân nhưng với tên gọi là thuế lợi tức lương bổng năm 1962 và sau đó được cải cách vào năm 1972.

Ngày 27/12/1990, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (Income Tax on high - Income earner) và đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Ðể cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, từ đó đến nay đã có 06 lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao: lần thứ nhất vào ngày 10/3/1992, lần thứ hai vào ngày 1/6/1994, lần thứ ba vào ngày 6/2/1997, lần thứ 4 vào ngày 30/6/1999 và lần thứ năm vào ngày 13/6/2001( có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2001) và lần thứ 6 là pháp lệnh sửa đổi, bổ sung số 14/2004/PL-UBTVQH11 ban hàng năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2004 đến nay). Hiện nay việc thực hiện các quy định của pháp lệnh số 14 này được hướng dẫn bởi thông tư 81/2004/TT-BTC và thông tư số 12/2005/TT-BTC.

Để nâng cao hơn nữa tính chất quan trọng và phải có các biện pháp chế tài đủ mạnh để việc thực hiện thu thuế TNCN được đi vào ổn định, có hiệu quả, công bằng, tại kỳ họp Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật số 04/2007/QH12 - Luật thuế thu nhập cá nhân. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành chính thức từ ngày 01/01/2009. Tại thời điểm người viết bài này thì chính phủ đang trình dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân. Sau khi có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành thì sẽ có thể có các Thông tư của Bộ tài chính hướng dẫn chi tiết hơn. Các thông tư số 81 và 12 sẽ đồng thời hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009.

Do tại thời điểm viết bài này Luật thuế TNCN chưa có hiệu lực thi hành nên người viết chủ yếu dẫn chứng các quy định tại Pháp lệnh số 14, thông tư 81 và thông tư 12, các thay đổi được điều chỉnh từ ngày 01/01/2009 chúng tôi sẽ có bài viết riêng.

2. Chức năng, vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Mục tiêu của việc ban hành và áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, sau này là Luật thuế thu nhập cá nhân là:

· Góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước:

Sự giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại nên thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người của cá nhân ngày càng tăng từ đó thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế tỷ trọng thu thuế TNCN trong tổng thu ngân sách của nhiều quốc gia đã phản ánh tiến trình đó, tại các nước khối ASEAN: 5-10%, các nước phát triển có tỷ trọng 15-16% có nước đạt tới tỷ trọng 30- 40% như Anh, Mỹ. Tại Việt Nam, mới tiếp cận chính sách thu và còn phân tán ở nhiều sắc thuế nhưng cũng đã có kết quả tăng trưởng thu khá lớn trong những năm gần đây: năm 1991 thu theo chính sách thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là 62 tỷ, thì đến năm 2000 thu được 1.832 tỷ và đến năm 2005 số thu đã đạt 8.300 tỷ. Tuy vậy tỷ trọng thu cũng mới chỉ đạt khoảng 5% tổng thu ngân sách.

· Góp phần thực hiện công bằng xã hội:

Thông thường, thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh vào thu nhập cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, không đánh thuế vào những cá nhân có thu nhập vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Thêm vào đó khi thu nhập cá nhân tăng lên thì tỷ lệ thu thuế cũng tăng thêm. Ở nhiếu nước còn có quy định miễn, giảm thuế cho những cá nhân mang gánh nặng xã hội.

Ở nước ta hiện nay, thu nhập của các tầng lớp nhân dân có sự chênh lệch nhau, số đông dân cư có thu nhập còn thấp, nhưng cũng có một số cá nhân có thu nhập khá cao, nhất là những cá nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khu chế xuất hoặc có một số cá nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân chưa mang lại số thu lớn cho ngân sách Nhà nước, song xét trên phương diện công bằng xã hội và phương diện công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước thì thuế thu nhập cá nhân có vị trí cực kỳ quan trọng, do đó việc điều tiết thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao là cần thiết, đảm bảo thực hiện chính sách công bằng xã hội.





II. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, THU NHẬP CHỊU THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

1. Ðối tượng nộp thuế.

Các cá nhân là công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài, cá nhân khác định cư tại Việt Nam có thu nhập đến mức phải chịu thuế theo quy định của pháp luật đều là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân khác định cư tại Việt Nam là người không mang quốc tịch Việt Nam, nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

2. Thu nhập chịu thuế và không chịu thuế.

2.1 Thu nhập chịu thuế.

Ðối tượng chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.

· Thu nhập thường xuyên: được hiểu là các khoản thu nhập phát sinh thường xuyên, có tính chất đều đặn và ổn định trong năm và có thể dự tính được, gao gồm:

i) Các khoản thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao, bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ, lương ca 3, lương tháng thứ 13 (nếu có); tiền phụ cấp; tiền trợ cấp thay lương nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội; tiền ăn trưa, ăn giữa ca (nếu nhận bằng tiền);

ii) Tiền thưởng tháng, quý, năm, thưởng đột xuất nhân dịp ngày lễ, tết, ngày thành lập ngành, thưởng từ các nguồn, dưới các hình thức: tiền, hiện vật;

iii) Thu nhập do tham gia dự án, hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, hội đồng quản lý, hội đồng doanh nghiệp;

iv) Tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, tác phẩm; thu nhập về tiền nhuận bút;

v) Các khoản thu nhập của các cá nhân không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như: thu nhập từ dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tin học, dịch vụ tư vấn, thiết kế, kiến trúc, đào tạo; hoạt động biểu diễn, tổ chức biểu diễn; quảng cáo; hoạt động thể dục thể thao; dịch vụ đại lý; thu nhập từ hoa hồng môi giới; dịch vụ khác;

vi) Các khoản thu nhập không tính trong tiền lương, tiền công được chi trả hộ như tiền nhà, điện, nước; riêng tiền nhà tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế trong trường hợp này căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích của căn nhà và cũng được tính tối đa 15% tổng thu nhập chịu thuế. Trường hợp chứng từ chi trả tiền nhà có cả tiền ăn, tiền phục vụ thì số thực tế chi trả hộ chỉ tính trên tiền nhà.

vii) Các khoản thu nhập khác mà cá nhân được hưởng từ cơ quan chi trả thu nhập.

· Thu nhập không thường xuyên: là các khoản thu nhập phát sinh theo từng lần, từng đợt riêng lẻ, không có tính chất đều đặn, bao gồm:

i) Thu nhập về chuyển giao công nghệ (trừ trường hợp biếu, tặng) bao gồm:

- Chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, xuất xứ hàng hoá, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và nhãn hiệu hàng hóa đang trong thời hạn được pháp luật Việt Nam bảo hộ và được phép chuyển giao.

- Chuyển giao các bí quyết về công nghệ, kiến thức dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, phần mềm máy tính (được chuyển giao theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ), thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao có kèm hoặc không kèm theo máy móc thiết bị.

- Chuyển giao các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

- Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để bên nhận có được năng lực công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm và/hoặc dịch vụ với chất lượng được xác định trong Hợp đồng bao gồm:

+ Hỗ trợ trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị nhằm áp dụng công nghệ được chuyển giao;

+ Tư vấn quản lý công nghệ, tư vấn quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao;

+ Đào tạo huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý của công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý để nắm vững công nghệ được chuyển giao.

ii) Trúng thưởng xổ số dưới các hình thức, kể cả trúng thưởng khuyến mại.

2.2 Thu nhập không chịu thuế.

Các khoản thu nhập sau đây sẽ không thuộc diện chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao:

i). Các khoản phụ cấp do Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam:

i.1). Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy hiểm;

i.2). Phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt đối với những nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu xấu, vùng kinh tế mới, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện khó khăn (không bao gồm phụ cấp xa Tổ quốc của người nước ngoài);

i.3). Phụ cấp đặc thù của một số ngành nghề theo quy định của Nhà nước;

i.4). Phụ cấp lưu động áp dụng với một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở;

i.5). Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức;

i.6). Phụ cấp thâm niên đối với lực lượng vũ trang, cơ yếu và hải quan; phụ cấp an ninh quốc phòng;

i.7). Phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945;

i.8). Các khoản phụ cấp khác có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước;

Mức chi các khoản phụ cấp bằng tiền được xác định theo quy định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành. Đối với người nước ngoài, số tiền phụ cấp được xác định trên cơ sở tiền lương cơ bản ghi trong hợp đồng và mức phụ cấp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chung cho mọi đối tượng.

ii). Tiền công tác phí là các khoản tiền trả cho phương tiện đi lại, tiền thuê phòng ngủ có chứng từ hợp lý, tiền lưu trú theo chế độ; trường hợp khoán công tác phí thì chỉ được trừ những chi phí trên;

iii). Tiền ăn định lượng theo chế độ quy định đối với một số công việc, một số nghề đặc biệt; bữa ăn tại chỗ, ăn trưa, ăn giữa ca (trừ trường hợp nhận bằng tiền);

iv) Các khoản trợ cấp xã hội của các đối tượng hưởng chính sách xã hội như: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng; trợ cấp khó khăn đột xuất, tiền trợ cấp hoặc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp giải quyết các tệ nạn xã hội; các khoản trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước;

v). Tiền bồi thường bảo hiểm do tham gia bảo hiểm con người và tài sản;

vi). Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo chế độ Nhà nước quy định.

Trường hợp cá nhân được hưởng khoản trợ cấp khi thôi việc tại một đơn vị này để chuyển sang làm việc ở một đơn vị khác trong cùng một Công ty, Văn phòng Công ty đa quốc gia thì không áp dụng quy định này.

vii) Trợ cấp điều động về cơ sở sản xuất theo quy định của Nhà nước, bao gồm cả trợ cấp chuyển vùng một lần của người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam.

viii). Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh, các giải thưởng quốc tế, các giải thưởng quốc gia do Nhà nước Việt Nam tổ chức, công nhận;

ix). Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú và các danh hiệu khác được Nhà nước phong tặng; tiền thưởng hoặc chế độ đãi ngộ khác từ ngân sách Nhà nước;

x). Tiền nộp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Đối với người nước ngoài đã nộp khoản tiền theo chế độ bắt buộc ở nước ngoài có tính chất như tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Việt Nam thì phải xuất trình chứng từ chứng minh.

xi). Thu nhập của chủ hộ kinh doanh cá thể, của các cá nhân đã thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp;

xii). Các lợi ích được hưởng do cơ quan chi trả thu nhập thanh toán như: chi phí đào tạo nhân viên trả cho nơi đào tạo, chi vé máy bay về phép của người nước ngoài (là đối tượng nộp thuế), học phí cho con của người nước ngoài trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục tại Việt Nam thuộc các cấp giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông.

Ngoài các khoản thu nhập thuộc đối tượng chịu thuế hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế kể trên, còn một số khoản được coi là thu nhập đặc biệt và tạm thời chưa đưa vào đối tượng chiụ thuế: thu nhập về lãi tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi tiền cho vay vốn, lãi mua tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu, thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán, chênh lệch mua bán chứng khoán

Tìm hiểu về kế tóan tài sản cố định (Phần 1)

nguồn tin: Webketoan


I. KHÁI NIỆM TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
- Theo chuẩn mực kế tóan số 03, 04 ban hành theo quyết định số 149/2001/QĐ-BTC, chuẩn mực số 06 ban hành theo quyết định số 165/2002/QĐ-BTC và quyết định 206/2003/QĐ-BTC thì tài sản cố định được phân lọai như sau:


• Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất (từng đơn vị tài sản có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản liên kết với nhau để thực hiện một hay một số chức năng nhất định) thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị...
• Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả...
• Tài sản cố định thuê tài chính: là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính, ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.

Mọi hợp đồng thuê tài sản cố định nếu không thoả mãn các quy định trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.


II. NGUYÊN TẮC GHI NHẬN NGUYÊN GIÁ TSCĐ
1. Tiêu chuẩn nhận biết và ghi nhận tài sản cố định
a. Tài sản cố định hữu hình
Tư liệu lao động là từng tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả bốn tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

a. Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
b. Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy;
c. Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;
d. Có giá trị từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.
Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản thì mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.
Đối với súc vật làm việc và/ hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình.
Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định được coi là một tài sản cố định hữu hình.

b. Tài sản cố định vô hình
Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả bốn điều kiện quy định đối với tài sản cố định mà không hình thành tài sản cố định hữu hình thì được coi là tài sản cố định vô hình. Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả bốn tiêu chuẩn nêu trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn được bảy điều kiện sau:

a. Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;
b. Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;
c. Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;
d. Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;
đ. Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;
e. Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;
g. Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.

Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, lợi thế thương mại không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động.

c. Tài sản cố định thuê tài chính
Là tài sản đáp ứng được các yêu cầu về ghi nhận tài sản cố định và phải thỏa mãn thêm các điều kiện: là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.

- Các trường hợp thuê tài sản dưới đây thường dẫn đến hợp đồng thuê tài chính :

a) Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê.

b) Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê.

c) Thời hạn thuê tài sản tối thiểu phải chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển giao quyền sở hữu.

d) Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn (tương đương) giá trị hợp lý của tài sản thuê.

e) Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn nào.

- Hợp đồng thuê tài sản cũng được coi là hợp đồng thuê tài chính nếu hợp đồng thoả mãn ít nhất một trong ba (3) trường hợp sau:

a) Nếu bên thuê huỷ hợp đồng và đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc huỷ hợp đồng cho bên cho thuê;

b) Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;

c) Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị trường.

2. Xác định nguyên giá tài sản cố định
a. Nguyên giá tài sản cố định hữu hình
TSCĐ hữu hình mua sắm: Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm bao gồm giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

TSCĐ hữu hình do đầu tư xây dựng cơ bản theo phương thức giao thầu: Đối với TSCĐ hữu hình hình thành do đầu tư xây dựng theo phương thức giao thầu, nguyên giá là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng, các chi phí liên quan trực tiếp khác và lệ phí trước bạ (nếu có).

TSCĐ hữu hình mua trả chậm: Trường hợp TSCĐ hữu hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, nguyên giá TSCĐ đó được phản ánh theo giá mua trả ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình (vốn hoá) theo quy định của Chuẩn mực “Chi phí đi vay”.

TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự chế: Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá thành thực tế của TSCĐ tự xây dựng hoặc tự chế cộng (+) chi phí lắp đặt, chạy thử. Trường hợp doanh nghiệp dùng sản phẩm do mình sản xuất ra để chuyển thành TSCĐ thì nguyên giá là chi phí sản xuất sản phẩm đó cộng (+) các chi phí trực tiếp liên quan đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Trong các trường hợp trên, mọi khoản lãi nội bộ không được tính vào nguyên giá của tài sản đó. Các chi phí không hợp lý như nguyên liệu, vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường trong quá trình tự xây dựng hoặc tự chế không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình.

TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi: Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về.

Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong cả hai trường hợp không có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ đem trao đổi. Ví dụ: việc trao đổi các TSCĐ hữu hình tương tự như trao đổi máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, các cơ sở dịch vụ hoặc TSCĐ hữu hình khác.

b. Nguyên giá tài sản cố định vô hình
- Nguyên giá TSCĐ vô hình mua riêng biệt, bao gồm giá mua (trừ (-) các khoản được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

- Trường hợp TSCĐ vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, trả góp, nguyên giá của TSCĐ vô hình được phản ánh theo giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí SXKD theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình (vốn hóa) theo quy định của chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”.

- TSCĐ vô hình hình thành từ việc trao đổi, thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị, nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn của đơn vị.

- Nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất có thời hạn: Là giá trị quyền sử dụng đất khi được giao đất hoặc số tiền phải trả khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác, hoặc giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn liên doanh.

- Nguyên giá TSCĐ vô hình được Nhà nước cấp hoặc được tặng, biếu, được xác định theo giá trị hợp lý ban đầu cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.

c. Nguyên gía tài sản cố định thuê tài chính
- Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán với cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản. Nếu giá trị hợp lý của tài sản thuê cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản thì ghi theo giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu. Tỷ lệ chiết khấu để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản hoặc lãi suất ghi trong hợp đồng. Trường hợp không thể xác định được lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê thì sử dụng lãi suất biên đi vay của bên thuê tài sản để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu.
- Chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính, như chi phí đàm phán ký hợp đồng được ghi nhận vào nguyên giá tài sản đi thuê.
- Khoản thanh toán tiền thuê tài sản thuê tài chính phải được chia ra thành chi phí tài chính và khoản phải trả nợ gốc. Chi phí tài chính phải được tính theo từng kỳ kế toán trong suốt thời hạn thuê theo tỷ lệ lãi suất định kỳ cố định trên số dư nợ còn lại cho mỗi kỳ kế toán.

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2008

SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA KT TÀI CHÍNH VÀ KT QUẢN TRỊ

1. Sự giống nhau
* Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ chặt chẽ với thông tin kế toán, đều nhằm vào việc phản ánh kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đều quan tâm đến doanh thu, chi phí và sự vận động của tài sản, tiền vốn.
* Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ chặt chẽ về số liệu thông tin. Các số liệu của kế toán tài chính và kế toán quản trị đều được xuất phát từ chứng từ gốc. Một bên phản ánh thông tin tổng quát, một bên phản ánh thông tin chi tiết.
* Cả hai loại kế toán đều có mối quan hệ trách nhiệm của Nhà quản lý.

2. Sự khác nhau
* Mục đích:
- Kế toán quản trị có mục đích: Cung cấp thông tin phục vụ điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. - Kế toán tài chính: Cung cấp thông tin phục vụ cho việc lập các báo cáo tài chính.
* Đối tượng phục vụ:
- Đối tượng sử dụng thông tin về kế toán quản trị là: Các nhà quản lý doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, ban giám đốc)
- Đối tượng sử dụng thông tin về kế toán tài chính là: Các nhà quản lý doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp (Nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan thống kê)
* Đặc điểm của thông tin:
- Kế toán quản trị nhấn mạnh đến sự thích hợp và tính linh hoạt của số liệu, thông tin được tổng hợp phân tích theo nhiều góc độ khác nhau. Thông tin ít chú trọng đến sự chính xác mà mang tính chất phản ánh xu hướng biến động, có tính dự báo vì vậy thông tin kế toán quản trị phục vụ cho việc đánh giá và xây dựng các kế hoạch kinh doanh, thông tin được theo dõi dưới hình thái giá trị và hình thái hiện vật. Ví dụ: Kế toán vật tư ngoài việc theo dõi giá trị của vật tư còn phải theo dõi số lượng vật tư.
- Kế toán tài chính phản ánh thông tin xảy ra trong quá khứ đòi hỏi có tính khách quan và có thể kiểm tra được. Thông tin chỉ được theo dõi dưới hình thái giá trị.
* Nguyên tắc cung cấp thông tin:
- Kế toán quản trị không có tính bắt buộc, các nhà quản lý được toàn quyền quyết định và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và khả năng quản lý của doanh nghiệp.
- Kế toán tài chính phải tôn trọng các nguyên tắc kế toán được thừa nhận và được sử dụng phổ biến, nói cách khác kế toán tài chính phải đảm bảo tính thống nhất theo các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán nhất định để mọi người có cách hiểu giống nhau về thông tin kế toán đặc biệt là báo cáo tài chính và kế toán tài chính phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là những yêu cầu quản lý tài chính và các yêu cầu của xã hội thông qua việc công bố những số liệu mang tính bắt buộc.
* Phạm vi của thông tin:
- Phạm vi thông tin của kế toán quản trị liên quan đến việc quản lý trên từng bộ phận (phân xưởng, phòng ban) cho đến từng cá nhân có liên quan.
- Phạm vi thông tin của kế toán tài chính liên quan đến việc quản lý tài chính trên quy mô toàn doanh nghiệp.
* Kỳ báo cáo:
- Kế toán quản trị có kỳ lập báo cáo nhiều hơn: Quý, năm, tháng, tuần, ngày. - Kế toán tài chính có kỳ lập báo cáo là: Quý, năm
* Quan hệ với các môn khoa học khác:
Kế toán tài chính ít có mối quan hệ với các môn khoa học khác. Do thông tin kế toán quản trị được cung cấp để phục vụ cho chức năng quản lý, nên ngoài việc dựa vào hệ thống ghi chép ban đầu của kế toán tài chính thì kế toán quản trị còn phải kết hợp và sử dụng nội dung của nhiều môn khoa học khác như: Kinh tế học, thống kê kinh tế, tổ chức quản lý doanh nghiệp, quản trị đầu tư để tổng hợp phân tích và xử lý thông tin.
* Tính bắt buộc theo luật định:
- Kế toán quản trị không có tính bắt buộc.
- Kế toán tài chính có tính bắt buộc theo luật định. Kế toán tài chính có tính bắt buộc theo luật định có nghĩa là sổ sách báo cáo của kế toán tài chính ở mọi doanh nghiệp đều phải bắt buộc thống nhất, nếu không đúng hoặc không hạch toán đúng chế độ thì báo cáo đó sẽ không được chấp nhận (tham khảo thêm về luật kế toán vừa ban hành).

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

gọi điện miễn phí từ PC to Phone

VoipBuster
Cảm ơn bạn đã lựa chọn Website này để download (Bạn là người thứ 6484 download sản phẩm này)
Liên kết để bạn tải xuống máy:
http://download.voipbuster.com/setupvoipbuster.exe
Chú ý: Nếu có vấn đề trong quá trình tải xuống máy bạn có thể:
1.Thử tải lại bằng liên kết thay thế: http://www.download.com/VoipBuster/3000-2349_4-10462524.html?tag=lst-0-1
2.Hoặc cấu hình lại máy tính của bạn (Với một số phiên bản Windows, có thể đã được cấu hình để chặn lại quá trình download của bạn.)

Giới thiệu
Hiện nay có khá nhiều chương trình VOIP miễn phí dùng để gọi điện thoại thông qua internet. Có thể kể đến như Yahoo!Messenger, Skype... Nhưng hầu hết các cuộc gọi đều được miễn phí dưới hình thức từ PC-to-PC, còn người dùng muốn thực hiện cuộc gọi từ PC-to-Phone phải mua thẻ hoặc đóng một khoản phí nhất định. Với VoipBuster bạn có thể thực hiện cuộc gọi hoàn toàn miễn phí từ PC-to-Phone tới khá nhiều nước trên thế giới.

Nhà cung cấp dịch vụ của VoipBuster đã khá hào phóng khi miễn phí 300 phút gọi đi 1 số nước nhất định cho 1 lần khởi tạo account. Sau đó nếu mua thẻ bạn sẽ được khuyến mãi thêm 120 ngày gọi miễn phí đi tất các nước trên thế giới trước khi VoipBuster bắt đầu trừ tiền trong tài khoản của bạn.

Nhìn chung giao diện của VoipBuster khá giống với Skype và các chương trình tin nhắn tức thời khác, nên người dùng ít ngỡ ngàng dù lần đầu tiên sử dụng. Để thực hiện cuộc gọi, bạn bấm vào thanh # Dial để hiện lên ô quay số, dùng chuột( hoặc bàn phím) nhập vào số muốn gọi theo công thức 00 + mã quốc gia + mã vùng + số muốn gọi (ví dụ gọi đi Mỹ thì bấm 0017145263261). Sau khi nhập số xong thì bấm chuột vào Connect để thực hiện cuộc gọi, bấm Disconnect để ngừng.

VoipBuster cho bạn thực hiện 300 phút gọi miễn phí đến một số nước và vùng lãnh thổ trong 7 ngày từ lúc tạo account. Khi bạn đã gọi hết 300 phút hay dùng quá 7 ngày, VoipBuster sẽ không cho bạn thực hiện cuộc gọi và "khuyên" bạn nên nạp tiền vào tài khoản. Bạn có thể nạp tiền nếu muốn, còn không thì chỉ việc đăng ký thêm một account khác để được miễn phí tiếp 300 phút.

Ngoài chức năng dùng để gọi điện thoại Voip, VoipBuster còn là một chương trình tin nhắn tức thời giống như Skype, Yahoo!Messenger, MSN Messenger... Bạn có thể chat và gọi điện tới 1 người đang dùng VoipBuster giống mình.

Chất lượng cuộc gọi của VoipBuster khá tốt khi dùng trên đường truyền ADSL 512 Kbs. Yêu cầu hệ thống phải sử dụng hệ điều hành Windows XP hay Windows 2000. Cấu hình đề nghị : Celeron 1,7 Ghz, 256 MB RAM, ổ cứng trống 30 MB, sound card, headphone + mic, đường truyền ADSL 512Kbs.

Lưu ý: Trước khi sử dụng, bạn nên kiểm tra xem trong Master Volume - Microphone có bị đánh dấu Mute hay không, nếu có thì bỏ dấu Mute đi.


Hướng dẫn kỹ thuật
Khi hiện lên bảng Completing the VoipBuster setup Winzard, bạn đánh dấu vào ô Launch VoipBuster rồi bấm nút Finish. Tiến trình cài đặt đã hoàn thành và lúc này sẽ có 1 bảng VoipBuster-Logon xuất hiện. Để đăng ký account sử dụng bạn chọn New user (chú ý nhập đầy đủ những ô có dấu *). Khi có thông báo "Username... was successfully registered for VoipBuster" nghĩa là bạn đã đăng ký thành công, bấm OK để hoàn tất. Nếu bạn đã có tài khoản VoipBuster thì chọn Existing User để nhập vào Username và Password của mình vào.

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

NÂNG CẤP PHẦN MỀM HTKK 1.3.1

Nguồn: www.hcmtax.gov.vn

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kê khai thuế, Tổng cục Thuế đã nâng cấp và phát triển phần mềm Hỗ trợ kê khai sử dụng công nghệ mã vạch phiên bản 1.3.1 nhằm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ mới bổ sung cập nhật biểu thuế Tài nguyên theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTC ngày 14/4/2008 và công văn số 5229/BTC-TCT ngày 7/5/2008 của Bộ tài chính về việc thù lao của tổ chức khấu trừ thuế và thù lao ủy nhiệm thu thuế TNCN đồng thời một số yêu cầu cập nhật sửa lỗi phiên bản 1.3.0.1. Bắt đầu từ tháng 10/2008, khi nộp tờ khai có áp dụng công nghệ mã vạch, các doanh nghiệp sẽ sử dụng các mẫu tờ khai tại phiên bản 1.3.1 thay cho phiên bản 1.3.0.1 trước đây.

Phiên bản nâng cấp 1.3.1 giải quyết được lỗi và yêu cầu phát sinh:


1. Các yêu cầu cập nhật sửa lỗi phiên bản 1.3.0.1

- Tờ khai thuế GTGT khấu trừ 01/GTGT:

+ Căn chỉnh lại format trên bảng kê in ra sao cho đảm bảo in đầy đủ cả trang giấy A4 (tránh lãng phí)

+ Bảng kê 01-2/GTGT: Bỏ cảnh báo lỗi vàng khi tính số thuế từ doanh thu và thuế suất

+ Cập nhật sửa lỗi nhập định dạng text hay number đối với trường Hoá đơn, Ký hiệu thì hiển thị đúng theo thông tin DN kê khai đồng thời bổ sung thêm nội dung hướng dẫn về định dạng file dữ liệu trong file mẫu.

- Cập nhật sửa lỗi một số trường hợp định dạng trang in 8 trang nhưng in ra chỉ có 6 trang (1/8, 2/8,…,6/8) đối với tờ khai 03/TNDN, tương tự đối với tờ khai TNDN quý và TNCN

- Tờ khai thuế TNDN tạm tính - Mẫu 01B/TNDN:

+ Cập nhật cắt các số 0 sau dấu phẩy trước khi in tờ khai nếu số liệu tại chỉ tiêu [14], [15] là số nguyên (chẳng hạn 15,000%) thì khi in ra là 15%

+ Định dạng dữ liệu chỉ tiêu [18]: bổ sung dấu phân cách nhóm số để dễ nhìn hơn (chẳng hạn 1000000 thì phân cách thành 1.000.000)

- Lập 01/KHBS đối với tờ khai 02/GTGT: cập nhật cho phép nhập âm các chỉ tiêu điều chỉnh

- 04-1/TNCN: Căn chỉnh lại định dạng khi in: mặc định là in ra khổ giấy A4, tự động chuyển sang khổ A3 trong trường hợp dữ liêu lên đến 12 chữ số vì hiện tại với kích thước khổ A4 in ngang không hiển thị đủ được dữ liệu cho 13 cột, mỗi cột 12 chữ số

- Tờ khai 01/TTĐB: Cập nhật sửa lỗi hiển thị không đủ dữ liệu từ 13 chữ số trở lên tại cột Giá tính thuế TTĐB khi in ra, cho phép in hiển thị tối đa 16 chữ số.

- Báo cáo kết quả hoạt động SXKD mẫu theo QĐ 48/2006 của BTC cập nhật lỗi trên màn hình hiển thị là "số năm trước, số năm nay", nhưng khi in ra giấy thì lại là "số đầu năm, số cuối năm"

2. Các yêu cầu bổ sung về nghiệp vụ và kỹ thuật

- Tích hợp chức năng nhận các file font (Unicode, TCVN3,VNI…)

- Tờ khai thuế Tài nguyên (01, 02, 03/TAIN):

+ Cập nhật biểu thuế Tài nguyên theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTC ngày 14/4/2008 của Bộ Tài chính. Trong đó riêng tờ khai quyết toán thuế Tài nguyên mẫu 03/TAIN cho phép chọn loại tài nguyên theo cả 2 danh mục cũ và mới. Chẳng hạn: Vàng sa khoáng (QĐ16) để phân biệt với Vàng sa khoáng theo biểu cũ.

+ Cho phép cột sản lượng nhập 3 ký tự sau số thập phân (vì trường hợp NSD khai sản lượng là tấn, m3 thì thường có 3 số lẻ thập phân)

- Bổ sung chức năng Nhận dữ liệu từ file đối với:

+ Phụ lục 01-2/GTGT của tờ khai GTGT dùng cho dự án đầu tư 02/GTGT (như đối với phụ lục 01-2/GTGT đi kèm 01/GTGT)

+ Tờ khai Thuế TNDN khấu trừ Hoa hồng đại lý (05/TNDN)

- 01/KHBS:

+ Thêm màn hình nhập cho phần C.Nội dung giải thích và tài liệu đính kèm của mẫu 01/KHBS

+ 01/GTGT: bổ sung cho phép điều chỉnh chỉ tiêu 11, 42 trên KHBS khi điều chỉnh cho tờ khai

+ 04/GTGT: Cập nhật cho phép nhập số âm khi điều chỉnh chỉ tiêu 22, 23 trên KHBS cho tờ khai 04/GTGT

+ 03/TNDN: bổ sung cho phép điều chỉnh chỉ tiêu C2, C7 trên KHBS khi điều chỉnh cho tờ khai quyết toán

+ Bổ sung chức năng tra cứu tờ khai bổ sung KHBS tại menu Công cụ\Tra cứu và bổ sung ngày lập tờ khai trên bảng kết quả tra cứu.

- Tờ khai 01/TTĐB:

+ Cho phép nhập 2 số lẻ thập phân đối với cột Đơn giá trong phụ lục 01-1/TTĐB và cột Thuế TTĐB trên 1 đơn vị nguyên liệu đầu vào (Phần II, cột 6) trong Phụ lục 01-2/TTĐB

- Tờ khai 01/TNCN, 02/TNCN: Cập nhật không cho phép nhập Tiền thù lao đơn vị được hưởng: chỉ tiêu 5 trên 01/TNCN và Tiền thù lao được hưởng: Phần A. chỉ tiêu 4 trên 02/TNCN theo công văn số 5229/BTC- TCT ngày 7/5/2008 của Bộ tài chính về việc thù lao của tổ chức khấu trừ thuế và thù lao ủy nhiệm thu thuế TNCN

- Tờ khai thuế TNDN tạm tính 01A, 01B/TNDN: Thêm 2 số thập phân tại cột diện tích đất tại phụ lục 01-1/TNDN

- Tờ khai 01/GTGT và các phụ lục:

+ Bổ sung kiểm tra nếu chỉ tiêu 22 khác 0 mà 23 = 0 thì có cảnh báo vàng “Đề nghị xem lại Tổng số thuế GTGT được khấu trừ kỳ này chỉ tiêu [23]” trên tờ khai

+ Không cho phép nhập các chỉ tiêu [34], [36] trên tờ khai

+ Cho phép nhập âm các chỉ tiêu 14 đến 17, 23, 26, 29 đến 33 trên tờ khai

+ Bổ sung đối chiếu chỉ tiêu 13 trên tờ khai và phần A Thuế GTGT của HHDV mua vào trong kỳ trong phụ lục 01-4A/GTGT, nếu khác có cảnh báo đỏ “Chênh lệch giữa Thuế GTGT HHDV mua vào trong kỳ [13] trên tờ khai và Thuế GTGT của HHDV mua vào trong kỳ [Phần A] trong phụ lục 01-4A/GTGT. Đề nghị xem lại.” trên tờ khai trong trường hợp NSD có chọn phụ lục.

+ Bổ sung cảnh báo lỗi vàng trong các trường hợp sau:

* Người sử dụng kê khai hoá đơn đầu vào quá 3 tháng kể từ tháng phát sinh

* Người sử dụng không nhập thông tin về ký hiệu hoá đơn (trong phiên bản trước cảnh báo lỗi đỏ không cho in tờ khai)

- Báo cáo tài chính doanh nghiệp: Bổ sung chức năng nhập báo cáo tài chính mã vạch theo Quyết định 48, 15, 16, 99/QĐ-BTC

+ Bảng cân đối kế toán

+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 2 phương pháp trực tiếp và gián tiếp

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

KIỂM SOÁT NỘI BỘ PHẦN 6

Kiểm soát nội bộ Phần 6: Kiểm soát Hệ thống Thông tin
(Cập nhật: 18.11.2008 08:47)



kiemtoan.com.vn sẽ đăng tải lại báo cáo về kiểm soát nội bộ do Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) Mekongcapital. Mục đích của báo cáo là nhằm trợ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thông qua việc thiết lập các thủ tục kiểm soát chặt chẽ.
6.1 Uỷ quyền tiếp cận tài liệu của công ty
6.1.1 Rủi ro
Dữ liệu kế toán và tài liệu của công ty (hồ sơ khách hàng, đăng ký tài sản, hồ sơ nhân viên,…) có thể bị sửa đổi, sao chụp, sử dụng theo cách bất lợi hoặc bị ai đó không có thẩm quyền phá huỷ.
6.1.2 Giải pháp
Từng người sử dụng máy tính cần có một tài khoản người sử dụng và mật khẩu duy nhất và bất kỳ phầm mềm nào cũng cần được thiết kế để vận hành với đúng tài khoản người sử dụng đó.
Các phần mềm cụ thể cũng nên được thiết kế theo cách mà những người sử dụng cụ thể được trao quyền sử dụng một phần hoặc tất cả phần mềm, hoặc tiếp cận một phần hoặc toàn bộ hồ sơ dữ liệu.
Công ty nên có chính sách rõ ràng bằng văn bản về điều này và chính sách này nên được Cán bộ Quản lý IT hoặc một người khác có thẩm quyền lưu giữ và thực hiện.
Sổ ghi người sử dụng máy tính và các phần mềm cần được kích hoạt khi có thể. Những người sử dụng thường xuyên không được phép có khả năng xoá hoặc sửa đổi sổ ghi (nghĩa là họ không được có quyền của cán bộ quản lý IT). Định kỳ công ty nên tiến hành kiểm tra độc lập về các sổ ghi để xác định những người sử dụng không được phép.
6.2 Bảo vệ cơ sở dữ liệu và tài liệu của công ty
6.2.1 Rủi ro
Các tệp tin dữ liệu, tài liệu của công ty và phần mềm độc quyền của công ty có thể bị hư hỏng do cháy, hỏng phần cứng, do những hành động phá hoại hay ăn cắp.
6.2.2 Giải pháp
Các tệp tin và bản ghi cần được thường xuyên lập bản sao dự phòng, tốt nhất là hàng ngày nhưng nhất định không được ít hơn mức hàng tuần.
Trong điều kiện lý tưởng nên có 2 tệp tin dự phòng hoặc nhiều hơn nữa, một tệp tin cất giữ an toàn ở văn phòng và một tệp tin cất giữ an toàn ngoài văn phòng.
Quy trình lập bản sao dự phòng phải được kiểm tra định kỳ và nên có một kế hoạch chi tiết cho việc phục hồi trong trường hợp tệp tin dữ liệu chính bị hỏng hoặc một trong những tệp tin dự phòng bị hỏng.
Các dữ liệu quan trọng nên được cất giữ ở máy chủ trung tâm, hoặc hệ thống lưu giữ mạng, và không nên lưu giữ ở các máy tính riêng lẻ. Điều này là rất quan trọng vì các đĩa cứng riêng lẻ dễ bị hỏng hóc, dẫn đến mất toàn bộ dữ liệu trên các đĩa cứng đó. Máy chủ và hệ thống lưu giữ mạng nên sử dụng RAID hoặc các hệ thống khác để ngay cả khi một đĩa cứng bị hỏng, dữ liệu cũng không bị mất.
Máy chủ tệp tin trung tâm, hệ thống lưu giữ liên quan đến mạng, và các đĩa dự phòng nên được để ở nơi an toàn, có khóa và chỉ một số người hạn chế có thể tiếp cận.
6.3 Bảo vệ hệ thống máy tính
6.3.1 Rủi ro
Phần cứng, phần mềm và các tệp tin dữ liệu có thể bị hỏng do việc sử dụng trái phép hoặc do tin tặc, do cài đặt phần mềm không đăng ký, hoặc do virus phá hoại.
6.3.2 Giải pháp
Công ty nên cài đặt phần mềm diệt virus, chẳng hạn như Norton Anti-Virus, trên tất cả các máy tính và thực hiện quy định là định kỳ chạy và cập nhật phần mềm này. Phần mềm diệt virus nên được thiết kế để quét tất cả các tệp tin công ty nhận qua email hoặc mở ra.
Công ty nên có quy định không được chạy phần mềm nào chưa cài đặt, không có bản quyền hoặc phần mềm tự chạy mà không được sự phê chuẩn bằng văn bản của cán bộ quản lý IT hoặc cấp quản lý phù hợp. Trong khi đó, người sử dụng bình thường mà dùng máy chạy trên môi trường Windows chỉ nên có quyền của “người sử dụng” để họ không thể cài đặt các phần mềm vào máy tính của họ. Theo cách này, chỉ cán bộ quản lý IT mới có thể cài đặt phần mềm vào các máy tính.
Nếu công ty có hệ thống mạng máy tính mà kết nối với internet thì công phải bắt buộc phải có bức tường lửa giữa mạng của công ty với internet. Nếu các máy tính đơn lẻ kết nối trực tiếp với internet, thì từng máy tính nên có bức tường lửa cho phần mềm, chẳng hạn như Norton Firewall, cài đặt trong từng máy và cần được thiết kế chính xác.
kiemtoan.com.vn
(Theo Mekongcapital)

KIỂM SOÁT NỘI BỘ PHẦN 5

Kiểm soát nội bộ Phần 5: Kiểm soát Tiền mặt và Tài khoản Ngân hàng
(Cập nhật: 10.11.2008 07:00)



kiemtoan.com.vn sẽ đăng tải lại báo cáo về kiểm soát nội bộ do Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) Mekongcapital. Mục đích của báo cáo là nhằm trợ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thông qua việc thiết lập các thủ tục kiểm soát chặt chẽ.
5.1 Kiểm soát tiền mặt
5.1.1 Rủi ro
Tiền mặt có thể bị sử dụng sai mục đích hoặc mất cắp.
5.1.2 Giải pháp
Nên có một hệ thống như là sổ quỹ để hàng ngày thủ quỹ ghi chép thu và chi tiền mặt. Ngoài ra, tiền mặt chỉ được rút ra khỏi quỹ khi có phiếu chi được phê duyệt và thu tiền mặt phải đi kèm với phiếu thu được phê duyệt.
Nên có hạn mức thanh toán tiền mặt và mọi khoản thanh toán vượt quá một mức nhất định phải được thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Vào một thời điểm chỉ nên có một người tiếp cận tiền mặt và tiền mặt phải được cất giữ trong hộp có khoá.
Bút toán giao dịch tiền mặt phải được một nhân viên riêng biệt lập và nhân viên này không được tiếp cận hoặc có chức năng trông giữ tiền mặt. Số dư tiền mặt trên sổ cái cần được đối chiếu hàng ngày với sổ quỹ tiền mặt do thủ quỹ lập.
5.2 Đối chiếu ngân hàng
5.2.1 Rủi ro
Công ty có thể không ngăn chặn hoặc phát hiện kịp thời các khoản chuyển khoản hoặc rút tiền ngân hàng có gian lận hoặc có lỗi.
5.2.2 Giải pháp
Kế toán ngân hàng nên thực hiện việc đối chiếu số dư trên sổ phụ ngân hàng với số dư trên sổ sách kế toán của công ty. Việc đối chiếu này nên được một người có thẩm quyền kiểm tra và người này không được tham gia vào việc xử lý hoặc hạch toán thu chi tiền. Ngoài ra, việc đối chiếu này nên được tiến hành định kỳ, ít nhất là hàng tháng. Bất kỳ chênh lệch nào cũng nên được đối chiếu với các khoản tiền gửi chưa được ngân hàng xử lý hoặc các séc đã phát hành nhưng chưa trình ngân hàng và bất kỳ khoản mục nào không đối chiếu được cần phải báo cáo ngay cho Kế toán Trưởng hoặc Giám đốc Tài chính để có biện pháp xử lý.
5.3 Kiểm soát nhân viên thực hiện việc chuyển khoản/rút tiền ngân hàng mà không được phép
5.3.1 Rủi ro
Người có thẩm quyền ký duyệt cho tài khoản ngân hàng của công ty có thể chỉ thị việc chuyển khoản hoặc rút tiền cho mục đích không được phép. Một cách khác là nhân viên có thể có được chữ ký có thẩm quyền cho việc chuyển khoản hoặc rút tiền ngân hàng do người có thẩm quyền ký duyệt không để ý kỹ đến chứng từ mà người đó ký.
5.3.2 Giải pháp
Công ty nên áp dụng một cách thực đòi hỏi nhiều chữ ký cho việc chuyển tiền vượt quá một khoản nào đó - chẳng hạn như một chữ ký của Kế toán Trưởng/Giám đốc Tài chính và một chữ ký của Tổng Giám đốc.
Mọi chuyển khoản chỉ được phê duyệt khi các chứng từ kế toán được trình lên. Các chứng từ này bao gồm i) phiếu đề nghị mua hàng được phê duyệt; ii) đơn đặt hàng được nhà cung cấp chấp thuận và hợp đồng mua hàng, nếu có; và iii) biên bản giao hàng hoặc bằng chứng về việc thực hiện dịch vụ, khi phù hợp.
kiemtoan.com.vn
(Theo Mekongcapital)

KIỂM SOÁT NỘI BỘ PHẦN 4

Kiểm soát nội bộ Phần 4: Kiểm soát Hàng tồn kho và Tài sản Cố định
(Cập nhật: 28.10.2008 18:04)



kiemtoan.com.vn sẽ đăng tải lại báo cáo về kiểm soát nội bộ do Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) Mekongcapital. Mục đích của báo cáo là nhằm trợ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thông qua việc thiết lập các thủ tục kiểm soát chặt chẽ.
4.1 Bảo vệ hàng tồn kho
4.1.1 Rủi ro
Hàng tồn kho có thể bị mất cắp và việc mất cắp có thể được che dấu. Một khả năng khác là công nhân có thể huỷ bỏ hoặc dấu kín những sản phẩm có lỗi để tránh bị phạt về những sản phẩm đó.
4.1.2 Giải pháp
Nên tách biệt chức năng lưu giữ sổ sách hàng tồn kho (kế toán hàng tồn kho) khỏi chức năng trông giữ hàng tồn kho (thủ quỹ).
Nên cất giữ vật tư và thành phẩm vào nơi có khoá và chỉ người có thẩm quyền mới có khoá mở chỗ đó.
Giống như cách kiểm soát tiền mặt, mọi hàng hoá nhập và xuất từ kho hàng phải có phiếu nhập và xuất hàng và phiếu này phải được thủ kho ký. Các phiếu này sẽ được dùng làm chứng từ hạch toán cùng với các chứng từ khác, khi phù hợp, để thủ kho cập nhật sổ kho và để kế toán hàng tồn kho hạch toán chính xác số hàng tồn kho trong sổ cái và sổ phụ.
Thủ kho chỉ nên đồng ý xuất hàng khi có chỉ thị của người có thẩm quyền và chỉ thị này phải được viết thành văn bản với chữ ký có thẩm quyền. Chỉ thị này có thể kết hợp với phiếu xuất hàng.
Hàng tồn kho, bao gồm cả sản phẩm dở dang, phải được dán nhãn và theo dõi ở quy mô lô hàng nhỏ nhất có thể được và ở mỗi công đoạn sản xuất nhỏ nhất có thể được – để có thể dễ dàng phát hiện ra bất kỳ hàng hoá nào thất lạc. Hệ thống theo dõi thường bao gồm sổ sách kế toán, sổ sách sản xuất và một số loại nhãn hoặc mã vạch trên hàng hoá.
Khi di chuyển sản phẩm dở dang giữa các địa điểm hoặc công đoạn sản xuất, phiếu lưu chuyển sản phẩm cần được chuyển giao giữa các tổ trưởng của các địa điểm hoặc công đoạn sản xuất đó.
Ít nhất là hàng tháng công ty nên tiến hành kiểm kê hàng tồn kho và đối chiếu với sổ kho và sổ sách kế toán. Bất kỳ chênh lệch nào cũng phải được điều tra kỹ càng.
4.2 Lưu giữ bản đăng ký tài sản cố định đầy đủ
4.2.1 Rủi ro
Các giao dịch mua và thanh lý tài sản cố định có thể bị hạch toán sai. Điều này dẫn đến sai các số dư tài sản cố định trên bảng cân đối kế toán, làm méo mó các hệ số hoạt động liên quan đến tài sản hoặc tính sai khấu hao tài sản cố định.
4.2.2 Giải pháp
Phòng kế toán nên lưu giữ bản đăng ký tài sản cố định như là sổ phụ ghi chi tiết từng hạng mục tài sản cố định. Các thông tin cơ bản của một bản đăng ký tài sản cố định là nguyên giá từng tài sản và giá trị tăng thêm hay thay đổi, và khấu hao luỹ kế của tài sản đó. Các thông tin khác bao gồm mã số, vị trí đặt để, ngày mua/thanh lý, nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất. Số dư trên bản đăng ký tài sản cố định phải được đối chiếu định kỳ với giá trị ròng của các tài khoản tài sản cố định trên sổ cái.
Ít nhất là hàng năm, công ty nên tiến hành kiểm kê tất cả tài sản cố định, và đối chiếu số lượng kiểm kê thực tế với bản đăng ký tài sản cố định. Việc kiểm kê và đối chiếu cũng phải tìm ra bất kỳ tài sản nào không sử dụng, hư hỏng hay đã khấu hao đủ mà vẫn còn tiếp tục tính khấu hao.
Những bản sao của bản đăng ký tài sản cố định nên được gửi cho phòng hành chính và bộ phận mà tài sản cố định đặt ở đó vì điều này giúp các bộ phận trong việc bảo vệ các tài sản này hàng ngày. Ngoài ra, nên có một hệ thống để cập nhật bản đăng ký tài sản cố định được kịp thời thông qua sự phối hợp giữa các bộ phận này với phòng kế toán.
kiemtoan.com.vn
(Theo Mekongcapital)

KIỂM SOÁT NỘI BỘ PHẦN 3

Kiểm soát nội bộ Phần 3: Kiểm soát Mua hàng
(Cập nhật: 21.10.2008 09:35)



kiemtoan.com.vn sẽ đăng tải lại báo cáo về kiểm soát nội bộ do Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) Mekongcapital. Mục đích của báo cáo là nhằm trợ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thông qua việc thiết lập các thủ tục kiểm soát chặt chẽ.
3.1 Chỉ người có thẩm quyền mới lập phiếu đề nghị mua hàng
3.1.1 Rủi ro
Người không có thẩm quyền có thể vẫn đề nghị mua hàng được.
3.1.2 Giải pháp
Công ty nên chuẩn hoá và đánh số trước các phiếu đề nghị mua hàng của từng phòng ban đề nghị mua hàng như là một biện pháp kiểm soát các phiếu đề nghị mua hàng hiện tại để đảm bảo rằng hàng đề nghị mua được đặt hàng và hàng được nhận chính xác. Phiếu này phải được người có thẩm quyền ký duyệt và phải được đối chiếu đến tài khoản trên sổ cái để người đề nghị mua hàng có trách nhiệm về ngân sách chi.
Việc mua hàng chỉ được tiến hành khi trình phiếu đề nghị mua hàng được uỷ quyền.
3.2 Ngăn chặn gian lận trong việc đặt hàng nhà cung cấp
3.2.1 Rủi ro
Nhân viên mua hàng gian lận trong việc đặt hàng chẳng hạn đặt hàng mà nhân viên này sử dụng cho mục đích riêng và có thể trình hoá đơn để được thanh toán liên quan đến khoản mua hàng hư cấu đó.
3.2.2 Giải pháp
Nên tách biệt chức năng đề nghị mua hàng và chức năng đặt hàng. Nói cách khác, mọi việc mua hàng chỉ do phòng thu mua tiến hành và phòng thu mua phải độc lập với các phòng khác.
Phòng thu mua chỉ nên đặt hàng nhà cung cấp khi nhận được phiếu đề nghị mua hàng tiêu chuẩn đã được người có thẩm quyền ký duyệt. Đơn đặt hàng phải được đánh số trước và tham chiếu đến số của phiếu đề nghị mua hàng, và cung cấp các thông tin liên quan đến hàng hoá/dịch vụ, số lượng, giá cả, quy cách, v.v…. Các liên của đơn đặt hàng này nên được chuyển đến phòng nhận hàng, phòng kế toán và phòng đề nghị mua hàng để giúp kiểm tra nhận hàng và thanh toán sau đó.
3.3 Kiểm soát việc nhận tiền hoa hồng không được phép từ nhà cung cấp
3.3.1 Rủi ro
Nhân viên mua hàng có thể chọn nhà cung cấp mà không bán hàng hoá/dịch vụ phù hợp nhất hoặc ở mức giá thấp nhất có thể vì nhân viên này nhận tiền hoa hồng không được phép từ nhà cung cấp.
3.3.2 Giải pháp
Công ty nên áp dụng cách thức đòi hỏi ít nhất ba báo giá từ ba nhà cung cấp độc lập đối mỗi khi mua hàng hoặc với mỗi khoản mua hàng trên một mức nào đó.
Công ty nên hoán đổi vị trí các nhân viên mua hàng để tránh tình trạng một người có quan hệ với một số nhà cung cấp nhất định trong một thời gian dài. Ngoài ra, công ty nên áp dụng một chính sách kỷ luật chặt chẽ khi phát hiện nhân viên nhận tiền hoa hồng không được phép và nên định kỳ tiến hành kiểm tra việc này.
Công ty cũng nên áp dụng cách thức mà các phòng đề nghị mua hàng định kỳ cho ý kiến phản hồi về hoạt động của phòng thu mua.
3.4 Nhận đúng hàng
3.4.1 Rủi ro
Nhân viên nhận hàng có thể nhận sai hàng - chẳng hạn như hàng hoá sai về số lượng, chất lượng hay quy cách.
3.4.2 Giải pháp
Nên tách biệt chức năng nhận hàng với chức năng đề nghị mua hàng, khi có thể được, và chức năng đặt hàng.
Nhân viên nhận hàng, thường là thủ kho ở một số công ty, chỉ nên nhận hàng khi đã nhận được đơn đặt hàng hợp lệ do phòng thu mua gửi đến. Những biên bản nhận hàng được đánh số từ trước nên được lập mỗi khi nhận hàng từ nhà cung cấp.
Nhân viên nhận hàng nên thực hiện các biện pháp thích hợp để đo lường hàng hoá nhằm đảm bảo hàng hoá thực nhận đồng nhất với đơn đặt hàng về từng quy cách. Một nhân viên kiểm tra chất lượng độc lập nên hỗ trợ việc nhận hàng nếu các quy cách quá phức tạp mà nhân viên nhận hàng không thể đánh giá chính xác được. Biên bản nhận hàng nên có một mục chỉ rõ đã kiểm tra chất lượng, nếu thấy phù hợp.
Một liên của biên bản nhận hàng sau khi đã hoàn thành và ký xong nên được gửi cho phòng kế toán để làm chứng từ hạch toán và gửi cho phòng đề nghị mua hàng để làm bằng chứng về quy trình mua hàng đã hoàn thành.
3.5 Ngăn chặn hoá đơn đúp hoặc hoá đơn giả do nhà cung cấp phát hành
3.5.1 Rủi ro
Nhà cung cấp có thể phát hành và gửi hoá đơn ghi sai số lượng, giá trị hoặc phát hành hoá đơn đúp.
3.5.2 Giải pháp
Khi công ty nhận được hoá đơn của nhà cung cấp, tất cả các hoá đơn nên được đánh số theo thứ tự để việc sau đó việc kiểm tra về tính liên tục của các số hoá đơn có thể giúp xác định việc tất cả các hóa đơn nhận được đã được hạch toán.
Một biện pháp kiểm soát tốt cũng bao gồm việc đóng dấu lên hoá đơn để ghi rõ số tham chiếu của đơn đặt hàng và biên bản nhận hàng, mã tài khoản, nếu phù hợp, và tên viết tắt của nhân viên thực hiện việc kiểm tra này. Việc này sẽ giúp ích cho quá trình đối chiếu chứng từ.
Kế toán nên kiểm tra các chi tiết của hoá đơn so với đơn đặt hàng và biên bản giao hàng liên quan và lưu giữ chung các chứng từ này. Việc này đảm bảo là tất cả các hoá đơn, vốn là cơ sở để thanh toán cho nhà cung cấp, sẽ liên quan đến những giao dịch mua hàng hợp lệ và nhận đúng hàng.
3.6 Thanh toán mua hàng chính xác
3.6.1 Rủi ro
Khi thanh toán bằng séc, uỷ nhiệm chi hoặc bằng phiếu chi tiền mặt có thể có thanh toán nhầm nhà cung cấp, hoặc với chữ ký được uỷ quyền không đúng, hoặc đề xuất thanh toán các khoản giả mạo hoặc cho người giả mạo hoặc hoá đơn bị thanh toán hai lần liền.
3.6.2 Giải pháp
Phòng kế toán, hoặc đối với một số công ty là bộ phận công nợ phải trả của phòng kế toán, nên lưu giữ một danh sách các ngày đến hạn thanh toán. Khi đến hạn, kế toán phải trình không chỉ hoá đơn mà cả đơn đặt hàng và biên bản nhận hàng cho người có thẩm quyền ký duyệt thanh toán.
Phòng mua hàng nên có trách nhiệm thông báo cho phòng kế toán về bất kỳ thay đổi gì liên quan đến việc mua hàng mà có thể dẫn đến thay đổi thanh toán, chẳng hạn như thời hạn thanh toán, chiết khấu, hàng mua bị trả lại, v.v….. Ngoài ra, bất kỳ thay đổi nào như thế cần sự uỷ quyền thích hợp trước khi thay đổi việc thanh toán.
Tất cả các séc, uỷ nhiệm chi và phiếu chi tiền mặt nên được đánh số trước.
Hoá đơn đã thanh toán nên được đóng dấu “Đã thanh toán” và số thứ tự của các séc, uỷ nhiệm chi và phiếu chi tiền mặt nên được ghi lại.
kiemtoan.com.vn
(Theo Mekongcapital)

KIỂM SOÁT NỘI BỘ PHẦN 2

Kiểm soát nội bộ Phần 2: Kiểm soát Bán hàng và Giao hàng
(Cập nhật: 14.10.2008 09:23)

kiemtoan.com.vn sẽ đăng tải lại báo cáo về kiểm soát nội bộ do Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) Mekongcapital. Mục đích của báo cáo là nhằm trợ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thông qua việc thiết lập các thủ tục kiểm soát chặt chẽ.

2.1 Cam kết hợp lý về lịch giao hàng
2.1.1 Rủi ro
Đội ngũ nhân viên bán hàng có thể làm cho công ty cam kết một lịch giao hàng mà nhà máy không thể đáp ứng.
2.1.2 Giải pháp
Công ty nên áp dụng một cách thức là nhân viên bán hàng cần nhận được từ trước sự phê duyệt của phòng kế hoạch sản xuất trước khi cam kết về ngày giao hàng hoặc một cách thức khác là phòng kế hoạch sản xuất định kỳ trình lên phòng kinh doanh bản báo cáo về công suất sản xuất còn lại.
2.2 Nhận đơn đặt hàng đúng với điều khoản và điều kiện
2.2.1 Rủi ro
Đơn đặt hàng có thể được chấp nhận mà có những điều khoản hoặc điều kiện không chính xác hoặc từ khách hàng không được phê duyệt.
2.2.2 Giải pháp
Công ty nên có mẫu đơn đặt hàng chuẩn và mẫu này nên được đánh số trước và phải được người có thẩm quyền ký duyệt khi chấp nhận đơn đặt hàng. Đơn này nên phản ánh cụ thể:
• quy trình bán hàng liên quan;
• từng điều khoản, điều kiện và quy cách cụ thể mà có thể khác nhau giữa các đơn hàng khác nhau;
• đã kiểm tra về việc xác nhận về tình trạng còn hàng và lịch giao hàng; và
• đã kiểm tra chất lượng tín dụng của khách hàng, hoặc, đối với những khách hàng mới thì cần có sự phê duyệt của bộ phận kiểm tra tín dụng hoặc cán bộ phụ trách kiểm tra chất lượng tín dụng khách hàng.
2.3 Áp dụng những chính sách bán chịu và kiểm tra chất lượng tín dụng hợp lý
2.3.1 Rủi ro
Nhân viên bán hàng có thể cấp quá nhiều hạn mức bán chịu cho khách hàng để đẩy mạnh doanh số bán hàng và do đó làm cho công ty phải chịu rủi ro tín dụng quá mức.
2.3.2 Giải pháp
Người hoặc phòng chịu trách nhiệm phê duyệt hạn mức bán chịu nên được tách biệt khỏi người hoặc phòng chịu trách nhiệm bán hàng.
Hơn nữa, công ty nên xác định rõ ràng những chính sách bán chịu phản ánh rủi ro tín dụng liên quan đến thông tin về khách hàng. Trong điều kiện lý tưởng, công ty nên có một hệ thống kiểm tra chất lượng tín dụng của khách hàng. Nhìn chung, công ty nên áp dụng hạn mức bán chịu chặt trẽ hơn đối với những khách hàng chỉ giao dịch một lần và những khách hàng nhỏ, vì nhóm khách hàng này thường có rủi ro không trả được nợ lớn hơn những khách hàng lớn và thường xuyên. Vì các công ty Việt Nam có thể có khó khăn trong việc kiểm tra chất lượng tín dụng của khách hàng nước ngoài, chúng tôi gợi ý các công ty nên luôn luôn dùng L/C đối với khách hàng nước ngoài và ngân hàng phát hành L/C phải lớn và có uy tín.
2.4 Giao chính xác số lượng và loại sản phẩm cho đúng khách hàng
2.4.1 Rủi ro
Công ty có thể giao cho khách hàng số lượng hàng hoặc quy cách không chính xác làm cho khách hang phàn nàn, không chấp nhận hàng hoá đã giao hoặc dẫn đến những chi phí phụ thêm không cần thiết, chẳng hạn như giao hàng thêm lần nữa hoặc phí vận chuyển phụ thêm.
2.4.2 Giải pháp
Bộ phận giao hàng nên lưu giữ nhiều liên của phiếu giao hàng. Các phiếu giao hàng cần được đánh số trước và cần được lập dựa trên đơn đặt hàng đã được phê duyệt. Phiếu giao hàng là một bản ghi về số lượng hàng đã giao và cung cấp các thông tin cần thiết để cho người vận chuyển nội bộ của công ty hoặc công ty vận chuyển bên ngoài có thể tiến hành giao hàng.

Nếu có thể áp dụng được, phiếu giao hàng nên có tham chiếu chéo đến phiếu đóng gói trước khi vận chuyển. Ngoài ra, nếu Công ty sử dụng dãy số hoặc mã vạch thì phiếu giao hàng nên có tham chiếu chéo đến dãy số hoặc mã vạch đó.

Cuối cùng, phiếu giao hàng phải được khách hàng ký để công ty có bằng chứng về khách hàng đã thực tế nhận được hàng và chấp nhận hàng đó.

2.5 Lập hoá đơn chính xác
2.5.1 Rủi ro
Nhân viên lập hoá đơn có thể quên lập một số hoá đơn cho hàng hoá đã giao, lập sai hoá đơn hoặc lập một hoá đơn thành hai lần hoặc lập hoá đơn khống trong khi thực tế không giao hàng.
2.5.2 Giải pháp
Hoá đơn chỉ nên lập căn cứ vào: 1) phiếu giao hàng đã được khách hàng ký nhận; 2) đơn đặt hàng đã được đối chiếu với phiếu giao hàng; và 3) hợp đồng giao hàng, nếu có. Công ty nên ghi lại trên hoá đơn hoặc trên sổ sách kế toán số tham chiếu đến phiếu giao hàng hoặc mã số đơn đặt hàng để giúp kiểm tra tham chiếu.
Công ty nên sử dụng một danh sách giá bán đã được phê duyệt để giúp cho việc ghi chính xác giá bán trên hoá đơn.
Một người độc lập như kế toán thuế hoặc kiểm toán nội bộ nên tiến hành kiểm tra giá bán và việc cộng trừ trên hoá đơn theo cách hoặc là ngẫu nhiên hoặc là đối với những hoá đơn vượt quá một giá trị nhất định.
2.6 Hạch toán đầy đủ và chính xác bán hàng bằng tiền mặt
2.6.1 Rủi ro
Thủ quỹ hoặc nhân viên thu ngân có thể ăn cắp tiền mặt khách hàng thanh toán trước khi khoản tiền mặt đó được ghi nhận là doanh thu.
2.6.2 Giải pháp
Việc sử dụng hoá đơn mỗi khi giao hàng cùng với hệ thống theo dõi hàng tồn kho và kiểm kho định kỳ sẽ giúp đảm bảo phát hiện ra những giao dịch bán hàng mà không hạch toán. Mối nguy hiểm của việc bị phát hiện sẽ làm giảm động lực thủ quỹ hay nhân viên thu ngân ăn cắp tiền.
Khuyến khích khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng cũng giúp làm giảm bớt rủi ro và các chi phí hành chính liên quan đến bán hàng bằng tiền mặt.
Việc sử dụng máy đếm tiền điện tử hoặc máy phát hành hoá đơn ở các điểm bán hàng trong một số trường hợp cũng giúp ích vì các máy này in ra biên lai cho khách hàng và bản ghi nội bộ về giao dịch trên tệp tin máy tính hoặc băng từ được khoá trong máy. Tệp tin hoặc băng từ không được để cho thủ quỹ tiếp cận.
Công ty nên tiến hành kiểm tra độc lập về tiền mặt tại quỹ so với tổng số tiền mà thủ quỹ ghi chép hoặc tổng số tiền in ra từ máy đếm tiền hoặc máy phát hành hoá đơn.
Cuối cùng, nên tách biệt chức năng ghi chép việc thu tiền tại điểm bán hàng và chức năng hạch toán thu tiền trên tài khoản.

kiemtoan.com.vn
(Theo Mekongcapital

KIỂM SOÁT NỘI BỘ PHẦN 1

Giới thiệu về Kiểm soát Nội bộ (Phần 1)
(Cập nhật: 09.10.2008 18:57)


kiemtoan.com.vn sẽ đăng tải lại báo cáo về kiểm soát nội bộ do Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity) Mekongcapital. Mục đích của báo cáo là nhằm trợ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thông qua việc thiết lập các thủ tục kiểm soát chặt chẽ.


1.1 Lợi ích của hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh

Kiểm soát nội bộ là những phương pháp và chính sách được thiết kế để ngăn chặn gian lận, giảm thiểu sai sót, khuyến khích hiệu quả hoạt động, và nhằm đạt được sự tuân thủ các chính sách và quy trình được thiết lập. Một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ giúp đem lại các lợi ích sau cho công ty:

• Đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính của công ty;

• Giảm bớt rủi ro gian lận hoặc trộm cắp đối với công ty do bên thứ ba hoặc nhân viên của công ty gây ra;

• Giảm bớt rủi ro sai sót không cố ý của nhân viên mà có thể gây tổn hại cho công ty;

• Giảm bớt rủi ro không tuân thủ chính sách và quy trình kinh doanh của công ty; và

• Ngăn chặn việc tiếp xúc những rủi ro không cần thiết do quản lý rủi ro chưa đầy đủ.

Thông thường, khi công ty phát triển lên thì lợi ích của một hệ thống kiểm soát nội bộ cũng trở nên to lớn hơn vì người chủ công ty sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giám sát và kiểm soát các rủi ro này nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm giám sát trực tiếp của bản thân. Đối với những công ty mà có sự tách biệt lớn giữa người quản lý và cổ đông, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng cao của cổ đông. Xét về điểm này, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh là một nhân tố của một hệ thống quản trị doanh nghiệp vững mạnh, và điều này rất quan trọng đối với công ty có nhà đầu tư bên ngoài. Các nhà đầu tư sẽ thường trả giá cao hơn cho những công ty có rủi ro thấp hơn.

1.2 Những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các biện pháp kiểm soát nội bộ

Việc thực hiện thành công các biện pháp kiểm soát nội bộ đòi hỏi một số nguyên tắc chung:

• Một môi trường văn hoá nhấn mạnh đến sự chính trực, giá trị đạo đức và phân công trách nhiệm rõ ràng;

• Quy trình hoạt động và quy trình kiểm soát nội bộ được xác định rõ ràng bằng văn bản và được truyền đạt rộng rãi trong nội bộ công ty;

• Các hoạt động rủi ro được phân tách rõ ràng giữa những nhân viên khác nhau;

• Tất cả các giao dịch phải được thực hiện với sự uỷ quyền thích hợp;

• Mọi nhân viên đều phải tuân thủ hệ thống kiểm soát nội bộ;

• Trách nhiệm kiểm tra và giám sát được phân tách rõ ràng;

• Định kỳ tiến hành các biện pháp kiểm tra độc lập;

• Mọi giao dịch quan trọng phải được ghi lại dưới dạng văn bản;

• Định kỳ phải kiểm tra và nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát nội bộ.

1.3 Vai trò của kiểm toán nội bộ

Một số công ty chọn có một “kiểm toán nội bộ” chịu trách nhiệm đảm bảo hệ thống kiểm soát nội bộ được tuân thủ. Kiểm toán nội bộ không được là thành viên cua phòng kế toán vì các biện pháp kiểm soát nội bộ cũng áp dụng cho cả phòng kế toán.

Cụ thể, kiểm toán nội bộ thường có trách nhiệm kiểm tra:

• việc tuân thủ các quy trình và chính sách, vốn là một phần của hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty;

• việc tuân thủ các chính sách và quy trình kế toán cũng như việc đánh giá tính chính xác của các báo cáo tài chính và báo cáo quản trị; và

• xác định các rủi ro, các vấn đề và nguồn gốc của việc kém hiệu quả và xây dựng kế hoạch giảm thiểu những điều này.

Kiểm toán nội bộ báo cáo trực tiếp lên Tổng Giám đốc hoặc Hội đồng Quản trị. Do đó, với một kiểm toán nội bộ làm việc hiệu quả, hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty sẽ liên tục được kiểm tra và hoàn thiện.

Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có trên 11 cổ đông phải có Ban Kiểm soát. Mặc dù vai trò và quyền hạn của Ban Kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp không rõ ràng ở một mức nào đó, nhưng có khả năng Ban Kiểm soát đóng vai trò của kiểm toán nội bộ như miêu tả trên.




kiemtoan.com.vn
(Theo Mekongcapital