Cuốn sách tôi nói thật với thủ tướng của Lý Xương Bình 1

Tôi nói thật với thủ tướng, với những dẫn chứng được nêu một cách hệ thống, số liệu rõ ràng, cụ thể, chân thật, cuốn sách đã gây chấn động Trung Quốc.
Ngày 6-12-1999, Huyện ủy Giám Lợi sau khi được nhất trí của Thành ủy Kinh Châu, bổ nhiệm tôi làm bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi. Đây là lần thứ tư tôi đảm nhiệm chức vụ bí thư đảng ủy xã (bốn lần bí thư đều ở bốn xã, trấn khác nhau).
Những người ra đi
Ngày mồng 4 tháng giêng. Tôi muốn dạo một vòng xem nông dân xã Bàn Cờ đón xuân như thế nào.
Tôi đã trải qua quá nhiều đau thương.
Có biết bao con em nông dân thi đậu đại học nhưng vì nhà quá nghèo mà thất học. Chúng nó khóc, bố mẹ chúng nó khóc, đến quì trước mặt tôi xin cứu trợ, cầu mong xã cứu trợ.
Tôi đã từng nhớ không hết, có biết bao con nông dân không học nổi cấp I, cấp II, cấp III. Chúng nó cũng khóc, bố mẹ chúng nó cũng khóc, ông bà chúng nó cũng đến khóc, cũng đến quì trước mặt tôi, cầu cứu tôi mở rộng lòng thương, chứng nhận xin miễn học phí.
Tôi cũng không nhớ rõ nữa, biết bao nông dân nghèo chất phác gặp phải những án oan, không ai chịu xử lại, họ không biết đến đâu mà kêu. Họ quì trước mặt tôi, cầu mong tôi giơ cao chính nghĩa, tôi không còn nhớ nữa.
Những sự việc như vậy quá nhiều...
Tôi không biết quì có phải là đặc tính riêng của người Trung Quốc hay là tính chung của loài người. Mỗi lần có người quì là một lần tôi rơi lệ.
Trên quốc lộ, từng đoàn người đi làm thuê lũ lượt kéo nhau rầm rộ như trẩy hội, thế không thể giữ nổi.
Hướng về phía nam, không kể loại xe nào, chỉ cần anh đi về phía nam là họ đứng ra chặn lại. Nếu là xe khách thì phải nhét chật ních đến người cuối cùng không lên được nữa mới chịu buông ra. Nếu là xe hàng thì họ ném rơm rạ lên, ngồi chèn lên nhau giống như hàng hóa, không vất lên được nữa mới thôi. Những nông dân đang hướng về phía nam lòng đầy hi vọng, hầu như không cảm thấy rét đến tận xương tủy của đợt gió bấc đầu năm.
Tôi đi xe con cũng bị chặn lại, yêu cầu chở họ đi một đoạn. Xe chở thêm năm nông dân. Tôi hỏi họ: “Các bạn đã tìm được việc làm chưa?”. Một nông dân trạc tuổi tôi trả lời: “Thì cứ đi, đến đâu hay đó”. Một thanh niên khác nói một câu mà tôi không sao biện bạch được: “Các anh làm quan bụng quá xấu xa đen tối, cho nên không ra đi không sống nổi”.
Xe đến địa phận xã Bàn Cờ, từ xa tôi đã nhìn thấy Lý Tiên Tiến, bí thư chi bộ thôn Giác Hồ, cùng mấy cán bộ thôn đang cãi nhau kịch liệt với đông đảo quần chúng. Tôi dừng xe lại, gọi Lý Tiên Tiến hỏi: “Tại sao mới đầu xuân mà đã cãi nhau như vậy?”.
Tiên Tiến thấy tôi như có thể trút hết nỗi tức giận trong lòng, nói: “Chúng nó họp với nhau nhất tề trả ruộng không làm nữa. Đây là chúng nó cố tình đối địch với chúng ta. Chúng nó muốn đi tôi không phản đối, nhưng phải nộp trước một khoản khoán sản, chứ họ không nộp tiền tôi lấy gì nộp cho xã. Hôm nay phải nộp tiền, không nộp tiền đừng hòng mà đi... Đồng chí đến đúng lúc quá, nói hộ tôi mấy lời”.
Vừa nghe nói bí thư đảng ủy xã mới nhậm chức, bà con nông dân vây lấy tôi, tranh nhau ào ào nói.
Tôi vội vàng bắt tay chúc mừng năm mới từng người một, giơ hai tay ám thị bà con yên lặng, nói thật to với mọi người: “Bà con cứ yên tâm mà đi. Nếu không tìm được việc thì báo nhanh cho Lý Tiên Tiến biết. Lý Tiên Tiến để ruộng lại cho bà con quay về trồng lúa. Tôi chúc bà con thuận buồm xuôi gió, dọc đường bình an, làm ăn phát tài”.
Bà con nông dân tự nhiên hoan hô, ai vác hành lý người ấy, vội vàng rảo bước tới bến xe. Lý Tiên Tiến vẫn tỏ ra bất mãn về cách giải quyết của tôi.
Tôi cố trấn tĩnh lại, nói nhẹ nhàng với mấy cán bộ trong thôn: “Cản trở có tác dụng gì? Cản trở được người, nhưng có cản trở được lòng đâu. Cứ để cho họ đi, đi thêm được một người là tìm thêm được một việc làm, thêm được con đường sống. Bây giờ không phải là lúc nghiên cứu nên cản như thế nào, mà là nên bàn làm như thế nào để giúp bà con có thể tìm được công ăn việc làm nhiều hơn”.
Lý Tiên Tiến vẫn chưa chịu, nói: “Đồng chí nói dễ nghe thật. Đều đi hết cả, ruộng ai làm? Tiền tìm ai thu, xã không cần tiền nữa ư?”.
Xe vừa đi vào thôn Giác Hồ, nhà nào nhà nấy đều đang cốt nhục phân ly, tình cảnh ôm nhau khóc nức nở bày ra trước mắt tôi. Những đứa trẻ đáng thương ôm chặt lấy chân mẹ không dứt ra được, bố mẹ thương tâm cũng khóc nhưng không ngừng giật hai tay con ra. Là một bí thư xã như tôi, lúc ấy thật đau đớn như dao đâm.
Bạn học cũ dạy tôi nên làm quan như thế nào

Bìa sách Tôi nói thật với thủ tướng
8 giờ sáng mồng 6 tết, Lý Tiên Tiến đã mời được 12 đồng học cấp III cũ về họp. Tôi có một đề nghị riêng với các bạn là vừa vui chơi vừa suy nghĩ, tôi muốn thỉnh giáo các bạn một vấn đề: tôi muốn làm một vị quan tốt thì nên làm như thế nào?
Người phát biểu đầu tiên là Nguyễn Nhân Đức, phó bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ. Nhân Đức nói: “Mình công tác 15 năm ở xã Bàn Cờ, đã từng lần lượt tiễn đưa đến năm, sáu đồng chí bí thư đảng ủy. Những bí thư này lúc mới đến nhậm chức ai cũng tỏ ra là một bí thư tốt bụng. Nhưng làm chưa đầy mấy tháng đã quên mất điều sơ đẳng mình là người phục vụ nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Nói theo lời nói của bà con, họ đã trở thành hỗn quan, quan tham, quan tầm thường, dung tục”.
Nhân Đức giải thích: “Lợi ích của cán bộ hiện nay đã phát triển đến mức không thể điều hòa được với lợi ích của bà con nông dân. Cán bộ có những lợi ích đặc biệt có thể nói ra và cũng khó nói ra. Điều này khiến lời hứa toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số địa phương đã thành lời nói giả dối, tự thân nó đã lừa dối người.
Năm 1986, cán bộ hành chính của xã Bàn Cờ chỉ có 15 người, bây giờ lên đến gần 350 người. Lúc đó người ăn cơm “hoàng lương”, ăn cơm nhà nước ít nên đóng góp của nhân dân ít. Thuế nộp cho 1 mẫu ruộng lúc đó chỉ mới hơn 10 đồng. Còn bây giờ thì ra sao? Một mẫu phải đóng góp các khoản thuế hơn 200 đồng. Đóng góp như vậy mà xã vẫn không đủ chi, còn phải vay nợ lãi ngoài nhân dân để chi.
Đối với vấn đề một bí thư đảng ủy xã, nên đề bạt ai, nên cách chức ai, nhân dân xã Bàn Cờ không có quyền phát ngôn. Người ăn lương nhà nước ở xã Bàn Cờ mới có quyền phát ngôn. Cơ quan lãnh đạo chính đảng cấp trên mới có quyền phát ngôn, có quyền quyết định. Đây là một sự thật không thể chối cãi được.
Cho nên mỗi bí thư đảng ủy xã đều xuất phát từ yêu cầu phải củng cố quyền lực của mình, nên buộc phải hi sinh lợi ích của quần chúng nhân dân để ủng hộ lợi ích cán bộ đồng cấp và lợi ích của lãnh đạo cấp trên. Đây cũng là sự thật không cần tranh cãi”.
Nguyễn Nhân Đức càng nói càng xúc động, cuối cùng đứng dậy, tiến sát người tôi, chân thành nói: “Bạn đồng học ơi! Là đồng học cũ, tôi nói thật với đồng chí, làm một quan tốt, một quan thanh liêm quá khó đồng chí ơi! Vì vậy tôi muốn khuyên đồng chí hãy làm một ông quan hồ đồ là tốt nhất. Nhưng là người dân xã Bàn Cờ, tôi khuyên đồng chí nên làm một ông quan thanh liêm”.
Một bạn đồng học làm nghề buôn bán cũng làm tôi kinh sợ khi nói: “Tôi ghét quan tham, vì tiền tôi kiếm ra phải chi cho quan tham một ít. Có lúc không bằng lòng mà vẫn phải mời quan tham đi nhà hàng. Rất ghét quan tham mà vẫn phải tỉnh bơ như không, từ xa đã phải mời mời chào chào, đón đón. Nhưng tôi cũng thích quan tham bởi vì muốn làm ăn thì phải lôi kéo, chỉ có quan tham mới lôi kéo được, lôi kéo được kiếm tiền mới dễ”.
Một đồng học khác phát biểu: “Lão Lý! Khi chúng ta đang cùng học với nhau ở Bàn Cờ, lúc đó hầu như ai cũng có thể lên được cấp III. Điều này đồng chí hiểu rất rõ. Còn bây giờ học sinh xã Bàn Cờ lên cấp III chỉ được 20%. Biết bao con em chúng ta chưa tốt nghiệp cấp II đã phải đi về phương nam làm thuê. Ở đấy các em làm gì? Đi bán thịt thuê, đi đánh giày, đi nhặt phế thải.
Nông dân còn có cái gì? Có nhà mà không dám về. Có hơn một nửa thanh niên đi ra ngoài mưu sinh, có đất không dám trồng cấy vì trồng cấy bị thua lỗ. Trên có người già không tận đạo hiếu, dưới có con nhỏ không thể thành tài. Chúng tôi một đời vất vả gian lao, chỉ nuôi béo mấy ông cán bộ và gian thương.
Lão Lý! Nếu quả thật đồng chí không khách sáo, thật tâm nghe lời nói của các bạn đồng học, nghe tiếng nói của nông dân, tôi tặng đồng chí hai câu sau đây: Nên tốt hơn với nông dân một tí. Nên nghiêm hơn với cán bộ một tí.
Lão Lý ạ! Đem tinh thần của đồng chí khi còn đi học ra, tự lực tự cường mà làm quan, hai túi đừng đựng cái gì cả mà làm quan, tin tưởng đồng chí là một người quan tốt, được nhân dân ủng hộ”.
Tôi nói thật với Thủ tướng (Kỳ 2): Thư gửi Thủ tướng Chu Dung Cơ
(27-09-2007)
Một người muốn nói những lời nói chân thực thật là khó! Không biết nói ở đâu, đến đâu mà nói. Trong khi đó, tôi đích thực là có nhiều điều rất muốn nói ra.

Có ai có thể chịu ngồi nghe lời tôi nói? Đây thật giống như “muốn gửi tâm sự vào tiếng đàn” nhưng thiếu tri âm, tiếng đàn cất lên có ai nghe.
Cuối cùng tôi chọn một đối tượng đặc biệt để tỏ rõ tâm sự của tôi. Đó là Thủ tướng Chu Dung Cơ.
Kính gửi: Thủ tướng Chu Dung Cơ
Tên tôi là Lý Xương Bình, 37 tuổi, thạc sĩ kinh tế học, làm công tác ở hương trấn đã 17 năm, hiện là bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc. Với lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, sự đồng tình tha thiết đối với nông dân, viết thư cho Thủ tướng mà nước mắt cứ chảy vòng quanh. Điều tôi muốn nói với Thủ tướng là: bây giờ nông dân thật khổ, nông thôn thật nghèo, nông nghiệp thật nguy hiểm!
1. Nông dân bỏ đi làm ngoài một cách mù quáng như nước lũ
Ra tết đến nay, nông dân ở xã chúng tôi gần như bỏ ruộng đất đi làm ngoài hết sạch. Liên tục hơn 20 ngày nay, xe vận tải cỡ lớn “Đông Phong” (không thể làm xe chở khách) ngày đêm liên tục chở đầy nông dân đi khắp thành thị bốn phương trong cả nước để làm thuê kiếm sống. Xã chúng tôi có bốn vạn dân, một vạn tám ngàn lao động. Bây giờ đã bỏ đi hai vạn rưỡi, trong đó hơn một vạn rưỡi lao động. Người bỏ đi làm ngoài năm nay so với năm ngoái có đặc điểm mới như sau:
- Một là đi một cách mù quáng, chưa tìm được việc cũng đi, đến đâu hay đó. Trước đây đi là có mục đích, còn năm nay đi là trông chờ vào vận may, dù có chết cũng cam chịu chết ở thành phố, nhất định không để con cháu đời sau làm nông dân. Họ mang một khí phách như vậy đi ra thành phố.
- Hai là người năm nay nhiều, người trong độ tuổi lao động cũng nhiều. Trước đây bỏ đi làm ngoài chủ yếu là trẻ em nữ và một bộ phận gia đình có lao động dư thừa. Bây giờ không kể, trai, gái, già, trẻ đều đi cả.
- Ba là ruộng đất bị bỏ hoang nhiều. Trước đây bỏ đi làm ngoài, gia đình nào cũng chủ động giao ruộng đất cho người khác làm khoán nộp sản thay, hoặc nhờ anh em bà con làm giúp rồi mới ra đi. Năm nay, không cần gì cả, không nhờ ai làm thay đã đi là đi, không có dặn dò báo cáo ai cả. Người bỏ đi làm ăn bên ngoài con số sẽ ngày một tăng. Ước tính năm nay toàn xã chúng tôi diện tích bỏ hoang lên đến 3 vạn rưỡi mẫu, chiếm 65% diện tích đất trồng cấy của xã.
2. Gánh nặng như núi Thái Sơn
ở xã tôi, mỗi mẫu phải đóng góp các khoản trên 200 đồng. Ngoài ra phải nộp thuế đầu người, mỗi người từ 100-400đ tùy loại, không giống nhau. Hai khoản đó cộng lại, bình quân một người một mẫu phải đóng góp trên dưới 350đ. Vì vậy trên 80% nông dân lỗ vốn. Nông dân bất kể có trồng hay không trồng lúa đều phải nộp thuế đầu người, thuế nhà đất.
Ông già bà lão từ 80 tuổi trở xuống đã mất sức lao động, hay trẻ con vừa mới sinh đều coi như nhau, đều phải nộp một khoản thuế theo đầu người, mấy trăm đồng một người. Tôi thường thấy cảnh rất nhiều cụ già đến kéo tay tôi, đau khổ khóc lóc kêu van, trông cho chết càng sớm càng hay; trẻ em quì trước mặt tôi một cách đau thương xin được đi học.
Đau khổ mà không biết làm như thế nào nữa, chỉ còn biết dồn vào tiếng khóc. Đóng góp năm nay sẽ còn tăng lên.Thủ tướng nói cho biết đây là như thế nào? Tại làm sao? Người khỏe đều bỏ đi làm ngoài, vừa mới lớn lên đã bỏ đi làm ngoài, chỉ còn lại người yếu, cô quạnh và nhi đồng..., lại thấy đóng góp nặng nề còn kéo dài... chỉ biết kêu trời mà khóc!
3. Nợ chồng chất như núi
Năm 1995, ước 85% thôn trong xã Bàn Cờ có tích lũy, bây giờ 85% thôn lỗ vốn. Bình quân một thôn lỗ không dưới 40 vạn đồng/năm. 90% thôn mắc nợ, bình quân một thôn 60 vạn đồng, lãi suất 20% năm. Cấp thôn nợ mỗi năm tăng từ 10-15 vạn đồng. Cấp xã nợ mỗi năm tăng trên dưới 150 vạn đồng.
4. Cán bộ như châu chấu
Năm 1990, cán bộ xã Bàn Cờ ăn vào tiền thu thuế không vượt quá 120 người, bây giờ 340 người. Hơn nữa sự tăng trưởng này không có cách nào khống chế được. Lãnh đạo mới nhậm chức cũng không có cách nào khống chế nổi. Bởi vì đủ thứ áp lực từ các cấp trên, các quan chức trên không thể không lạm dụng quyền hạn bố trí sắp xếp cho con em họ ăn lương nhà nước. Không nhét được đâu hơn thì nhét vào các công trình thủy lợi là dễ dàng nhất. Năm nào cũng tăng biên chế, tăng người làm quan, cán bộ mới tăng đó bao giờ mới hưu? Quan sống vào dân, dân sống vào đất. Nông dân làm sao mà chịu nổi?
5. Chế độ trách nhiệm trong khoán sản phẩm như xiềng xích gông cùm
“Giao nộp đủ cho nhà nước, giữ lại đủ cho tập thể, còn ra là của mình”. Chế độ khoán sản phẩm đã từng là nỗi hân hoan vui mừng cổ vũ hàng triệu nông dân hăng say sản xuất. Nhưng bây giờ nông dân giao nộp đủ cho nhà nước, lưu giữ đủ cho tập thể rồi, phải nhờ vào tiền kiếm được bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng máu ở bên ngoài mới sống nổi.
Đóng góp của nông dân ngày một tăng, giá nông sản ngày một hạ. Đất đai được nông dân xem là sinh mệnh của mình thì bây giờ được xem là một gánh nặng. Chế độ khoán sản phẩm bây giờ bị nông dân xem là gông cùm xiềng xích, khóa chặt nông dân lại. Sinh ở thị trấn thành phố không phải chịu thuế đầu người, xuất thân ở nông thôn mỗi năm phải nộp mấy trăm đồng một đầu người. Thật là không công bằng tí nào?
6. Chính sách chỉ là điều nói suông
Chính sách nâng đỡ nông nghiệp của trung ương, chính sách bảo hộ tính tích cực sản xuất của nông dân, rất khó được thực hiện ở cơ sở. Mấy năm gần đây Chính phủ chưa hề cho nông dân vay, dù cá biệt cho vay, lãi suất cũng cao từ 18%/năm trở lên. Chính phủ thu mua lương thực không theo giá bảo hộ đã qui định. Trái lại nhà nước mua lương thực còn bắt nông dân làm kho.
Nhà nước không mua lương thực, nông dân tự mình đi bán còn bị phạt, thậm chí bị tịch thu. Chính sách thì nói cố gắng giảm đóng góp hằng năm cho nông dân nhưng vì thu nhập của nông dân mỗi năm mỗi thấp, dù cho số đóng góp cụ thể không tăng nhưng đóng góp tương đối, đóng góp có so sánh là hằng năm đều tăng lên.
Chính sách và sách lược là sinh mệnh của Đảng, lại có thể tùy tiện không thực hiện như thế, tất nhiên dẫn đến 1 tỉ nông dân không tin vào trung ương, hậu quả này sẽ đáng sợ biết chừng nào?
7. Lời nói dối thành chân lý
Lời nói dối, nói một trăm lần cũng thành chân lý. Hiện nay, lời nói thật không có chỗ nói. Lãnh đạo cấp trên nghe nói nông dân tăng thu là vui, hội báo nông giảm thu là phê bình. Có điển hình không kể thật giả, liền cho quay phim chụp ảnh, ghi âm, mở rộng ra. Cán bộ cơ sở tất phải xem lời nói, sắc mặt của cấp trên, dựa vào lãnh đạo mà ăn mà nói. Khắp nơi đều tăng sản, đâu đâu tình thế cũng rất tốt. Cho nên không nghe nổi lời nói thật. Nếu có ai đó nói thật liền bị chụp mũ: “Về chính trị chưa chín muồi, chưa đủ độ chín, người này không thể dựa được...”.
Hôm nay, tôi viết thư gửi Thủ tướng, báo cáo tình hình cơ sở là công việc mà một đảng viên cơ sở nên làm, là biểu hiện đang nói về chính trị, về chính khí là phù hợp với qui định của điều lệ đảng. Nhưng tôi đã phải trải qua đấu tranh tư tưởng gần ba tháng, bởi vì tôi sợ viết thư cho Thủ tướng là một biểu hiện chưa đủ độ chín, chưa chín muồi, sợ là một biểu hiện không đáng tin cậy, không đáng dựa. Hơn nữa, hiện nay người biết nói dối lại thông qua người môi giới biết biến lời nói dối thành chân lý, được coi là người chín muồi, người có tiền đồ, người đáng bồi dưỡng tiếp.
Hiện nay, làm một cán bộ cơ sở không nói dối, không tạo điển hình giả, không báo cáo sai con số, không nói điều trái lương tâm, không làm điều trái lương tâm, làm cán bộ thật sự cầu thị quá khó, quá khó... Thưa Thủ tướng! Tôi đã công tác ở nông thôn 17 năm, trước sau đảm nhiệm bí thư của bốn hương trấn, từ trước đến nay chưa bao giờ thấy nặng nề như hiện nay. Tôi không biết tình hình cả nước, nhưng ít nhất lời tôi đã nói về tình hình nông thôn, nó có tính đại biểu nhất định cho cả tỉnh Hồ Bắc. Bây giờ nông dân quá khổ, công tác nông thôn quá khó, nông nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn!
Tôi nói thật với Thủ tướng (Kỳ 3): Thư gửi thủ tướng Chu Dung Cơ
(11-07-2007)
Đứng trên góc độ một cán bộ cơ sở, tôi kiến nghị trung ương giải quyết vấn đề tam nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) từ bốn mặt dưới đây:

1. Kiên quyết chặn đứng tác phong phô trương
Đề nghị Thủ tướng viết một bức thư cho toàn quốc, một lần nữa nhắc nhở toàn Đảng bất kể cấp nào phải thật sự cầu thị, phản đối kịch liệt tác phong phô trương khoa trương, làm ít nói nhiều, phải coi trọng lợi ích của nhân dân cao hơn hết.
Tác phong phô trương thành tích và lo chạy mua quan, bán chức là anh em cùng một giuộc, đều lấy thăng quan để phát tài làm mục đích, lấy hi sinh lợi ích của nhân dân để trả giá. Những người đi chạy quan, bán chức tước đều là những người ham danh lợi, thích phô trương.
Tác phong phô trương thành tích chính là căn nguyên của việc bắt nông dân phải đóng góp quá nặng.
2. Giảm miễn thuế nông nghiệp
Tính tích cực của nông dân không những là vấn đề cơ bản của nông nghiệp mà cũng là vấn đề cơ bản để ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Điều động tính tích cực của nông dân, một là dựa vào trung ương, hai là dựa vào địa phương.
Từ trung ương mà nói:
- Cần giảm miễn thuế nông nghiệp. Trung ương cần dẫn đầu về giảm nhẹ đóng góp cho nông dân. Chính phủ trung ương hoàn toàn có thực lực như vậy.
- Trung ương cần mở rộng phạm vi kế hoạch nông nghiệp và chính sách bảo hộ nông nghiệp. Tăng cường sức mạnh về bảo hộ nông nghiệp, bảo hộ nông thôn, bảo hộ nông dân.
- Lập kế hoạch trồng trọt từng khu vực, giảm hàng loạt diện tích trồng trọt nông sản phẩm.
...
Hạn chế thích đáng về giá cả hàng hóa công nghiệp leo thang, nâng cao giá cả nông sản phẩm.
Về địa phương mà nói:
- Cần giảm mạnh nhân viên ăn vào thuế khóa nhà nước. Giảm đến như quân số năm 1990, thậm chí giảm một nửa.
- Cần hợp nhất thôn, khu, hương. Lấy Kinh Châu Hồ Bắc mà nói, thôn dưới 1.000 dân cần nhập với thôn khác. Khu quản lý dưới 2 vạn dân cần nhập với khu khác. Hương dưới 6 vạn dân cần nhập với hương khác.
- Tiến tới việc rút lui của chính phủ. Chính phủ không thể bao biện tất cả. Động viên đề xướng xã hội làm giáo dục, xã hội làm tiểu thủy nông, xã hội làm cơ sở thí nghiệm...
- Phải cải cách chế độ đóng góp của nhân dân, nông dân. Hợp nhất các cơ cấu thu các loại thuế phí. Thực hiện chế độ một phiếu thu. Phàm những việc chỉ thu phí thì lấy thu phí thay quản lý, thanh trừ hết những nhân viên, việc làm trở ngại đến sản xuất phát triển. Chức năng của nó do ban nông nghiệp của tỉnh giao cho các phòng ban tổ đảm nhiệm.
- Cán bộ rời khỏi nhiệm sở, thực hiện chế độ hai thẩm tra. Khi nhậm chức biên chế nhân viên bao nhiêu người, khi rời khỏi nhiệm sở không được tăng thêm dù chỉ một người. Khi nhậm chức tình hình tài chính hao hụt bao nhiêu, thâm hụt chữ đỏ đến mức độ nào, khi rời khỏi nhiệm sở không được tăng hơn, chỉ được giảm bớt.
- Thực hiện chế độ đào thải đối với người ăn lương nhà nước mà không làm tròn được nhiệm vụ, không luân chuyển, không tạm bố trí để chờ đợi nghỉ hưu. Bảo đảm cán bộ có thể lên có thể xuống, chế độ này phải được quán triệt chấp hành. Cán bộ cơ sở dù sao cũng không thể thực hiện chế độ làm suốt đời. Cần kiên quyết ngăn chặn việc gia đình hóa cán bộ. Có nhiều xã, thị trấn việc gia đình hóa cán bộ rất nghiêm trọng, chỉ một phạm vi nhỏ như xã, cha là lãnh đạo cốt cán thì con rể, dâu, cháu, con chú, con bác cùng tranh làm cán bộ. Quần chúng nói: một người làm quan cả họ được nhờ. Ở xã, một nhà chỉ để một người làm cán bộ. Trước ở đâu đến, nay trả về đó.
3. Tăng cường mạnh mẽ sự giám sát của quần chúng, nghiêm trị hủ bại, bảo đảm chính lệnh thông suốt, lấy lại lòng tin ở nhân dân.
Cán bộ xã Bàn Cờ đều là những đứa con bất hiếu mà nhân dân xã Bàn Cờ phải nuôi
Nhân dân xã Bàn Cờ đã bỏ ra mỗi năm 13 triệu nhân dân tệ mà vẫn chưa đủ cho chúng ta dùng, mỗi năm còn phải vay thêm 13 triệu nhân dân tệ với lãi suất cao để chi tiêu. Lại còn trăm phương ngàn kế lập hạng mục giả, chứng từ giả để hút máu mủ của nhân dân, ăn nhậu chơi bời, nhét đầy túi của mình. Có một số cán bộ trong chúng ta,chỉ qua một vụ đã thu lợi mấy ngàn đồng, một vụ hối lộ đã được và mất mấy ngàn đồng, mấy vạn đồng. Những đồng tiền đó là tiền lương, tiền nước mắt mồ hôi của mình bỏ ra ư? Không phải, của chùa lại cống chùa đó thôi.
Có vị bí thư thường xuyên dẫn cán bộ khu, cán bộ thôn, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn vào thành phố ăn nhậu chơi bời hưởng lạc. Mỗi lần vào thành phố đều phăng teo hết mấy vạn đồng. Để bù vào các khoản này, họ đã thông đồng với nhau lập chứng từ giả, nào là chi cho công trình thủy lợi này bao nhiêu, đào thêm bao nhiêu đất, thậm chí còn có xây dựng công trình thủy lợi giả, giả cho vay để lấy lãi suất, tìm đủ mọi cách để bớt xén công quĩ. Đem mọi chi phí cho cá nhân bổ vào đầu nông dân làm cho đóng góp của nông dân thêm nặng. Đây là tập thể hủ bại, tập thể hủ bại này không chỉ ở một khu, một thôn mà hầu như đơn vị chính quyền nào trong xã cũng đều tồn tại ở mức độ khác nhau.
Thưa các đồng chí! Lương tâm của một người cán bộ ở đâu? Nhân tính ở đâu?
(Trích báo cáo ngày 15-3-2000 của Lý Xương Bình trước đại hội hơn 1.000 người, đại diện cho gần 4 vạn dân xã Bàn Cờ)
Trên có chính sách, dưới có đối sách, có lệnh không chấp hành, có điều cấm mà không dừng lại thì chính sách nông thôn của trung ương rất khó thực hiện. Mấy năm gần đây có một số cán bộ vì tham ô chiếm đoạt bị xử tù, thế mà vẫn được bảo lưu thời gian công tác, vẫn phát tiền lương, vẫn hưởng đãi ngộ như cán bộ. Tình hình này tương đối phổ biến, quần chúng nói: “Lãnh đạo bao che cho nhau, vô pháp vô thiên”.
Nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình này là kiểm tra giám sát chưa đủ, trừng trị hủ bại không nghiêm.
Năm 1996, từ khi trung ương phát ra thông báo số 13 trong toàn quốc, những vụ án ác tính do bắt nông dân đóng góp quá nặng gây nên tự sát, đã xử lý một số cán bộ hương trấn. Cán bộ xã là cán bộ thấy rõ mặt nhất, đương đầu với thực tế nên phải chịu tội. Kỳ thực vấn đề xảy ra ở cấp dưới, trách nhiệm đáng ra là ở cấp trên.
Những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ cấp dưới là do cán bộ cấp trên bức bách. Cấp trên làm ra vẻ bộ mặt quan thanh liêm, cấp dưới thực hiện nên lòi ra bộ mặt quan tham. Đây chính là nguyên nhân cơ bản của lãnh đạo bao che cho nhau, vô pháp vô thiên đó. Bất kể một hình thức giám sát kiểm tra nào cũng không bằng sự giám sát của quần chúng.
4. Cổ vũ sáng tạo cách tân, phát triển thì mới ổn định.
Vấn đề hiện nay tích thành đống, không cải cách không có con đường nào khác.
Khẩu hiệu “ổn định áp đảo tất cả” đã bị một số người hiểu một cách phiến diện. Cho rằng ổn định nên áp đảo phát triển, ổn định nên áp đảo cải cách. Trung Quốc có 1 tỉ nông dân. Nông dân Trung Quốc có tinh thần sáng tạo nhất, cán bộ cơ sở ở nông thôn hiểu thực tế nông thôn nhất. Rất nhiều người có năng lực và học vị cao, nên tạo cho họ có môi trường rộng rãi để sáng tạo cải cách, có nơi trao đổi, nơi nói chuyện.
Nông dân và cán bộ cơ sở ở nông thôn sống ở tầng thấp nhất của xã hội. Nông dân dùng thu nhập 100 mẫu ruộng để nuôi sống một cán bộ nhà nước, còn mình thì đi làm thuê bên ngoài để nuôi sống mình.
Cán bộ cơ sở chịu mọi nỗi nhục nhã để hoàn thành mọi nhiệm vụ thuế khóa, đóng góp của nhân dân, giơ đầu chịu báng để hoàn thành nhiệm vụ đối với cấp trên. Nhưng tiền lương lại chẳng là bao, vẫn phải lấy biên lai để về nhà ăn tết.
Nếu cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên đều được như đồng chí Vương Nhiệm Trọng, mỗi năm xuống hương trấn công tác hai tháng, cùng nông dân bàn bạc nghiên cứu thảo luận tìm ra biện pháp chính sách. Tôi nghĩ hiện tượng “trên có chính sách, dưới có đối sách, có lệnh không chấp hành, có cấm không đình chỉ” sẽ không còn xảy ra nữa. Vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân sẽ không còn bộ mặt như ngày hôm nay.
Những lời tôi nói đều là sự thật cả, nhưng không nhất định là hoàn toàn đúng đắn, xin Thủ tướng phê bình chỉ giáo.
Ngày 2-3-2000
LÝ XƯƠNG BÌNH
(Trần Trọng Sâm dịch)
Bức thư đã viết xong rồi. Do dự và chỉnh sửa, ngày 8-3, Lý Xương Bình, 37 tuổi, quyết định đưa thư cho vợ. “Vợ tôi đọc xong liền chảy nước mắt, nhưng vợ tôi cũng không cản trở tôi mà chủ động đưa thư đến bưu điện gửi”.
Ngày 1-4, một tổ điều tra lên đường bảo rằng sẽ đến trấn Kiều Thị nhưng lại bất ngờ có mặt ở xã Bàn Cờ...

Tôi nói thật với thủ tướng (Kỳ 4): Tổ điều tra của thủ tướng đã đến
(25-07-2007)
Từ tỉnh truyền về một tin tức làm lãnh đạo huyện vừa kinh ngạc vừa đau đầu: có một nông dân viết thư lên trung ương...

Cuộc trao đổi ở văn phòng huyện ủy
Ngày 29-3 là ngày thứ 21 tôi phát thư đi. Lúc này bí thư Huyện ủy huyện Giám Lợi Y có thể được điều lên làm phó chủ tịch TP Kinh Châu, tôi được mời lên văn phòng huyện ủy. Đồng chí bí thư huyện ủy Y hết sức nghiêm nghị nhưng cũng rất lấy làm lo lắng, mấy lần định nói với tôi điều gì nhưng lại e dè không nói. Tôi có dự cảm bí thư Y định nói với tôi về bức thư, nhưng tôi cũng không dám chắc, nghĩ phải thăm dò trước đã.
Tôi đứng dậy cầm ấm chè của bí thư đi đổ bã, quay mặt đi để phá tan không khí trầm lắng, nói: “Đồng chí có nhiệm vụ gì giao cho tôi, chỉ cần có thể làm được tôi nhất định làm tốt. Đồng chí cứ tin tưởng tôi”.
Bí thư Y liền lộ vẻ tươi cười tiến sát gần tôi nói nhỏ: “Có một việc rất cần đồng chí tháo gỡ, xã Bàn Cờ đồng chí có một nông dân dám viết thư lên trung ương phản ảnh tình hình đóng thuế của nông dân quá nặng, chính sách bù giá lương thực không được thực hiện, trung ương sắp cử người về điều tra. Đồng chí về kiểm tra lại xem, làm một số việc để đừng gây thêm phiền phức cho huyện ta lúc này, nhất là chính sách bù giá lương thực. Tuy chính sách của trung ương là đúng nhưng dưới chấp hành đâu phải dễ, việc xảy ra là khó tránh khỏi. Việc này trung ương sẽ làm nghiêm, nhưng không thể để trung ương nắm được đằng cán mà bắt người. Khi đồng chí tiếp đoàn cần phải nói nhiều về tình hình khó khăn của huyện cho đoàn rõ. Còn đối với vấn đề đóng góp của nông dân, chỉ cần đừng để chết người là không có vấn đề gì lớn. Lần chỉnh cải này dù khó khăn đến mấy, trước hết cũng phải bàn phương án giảm nhẹ đóng góp cho nông dân”.
Tôi cầm điếu thuốc của bí thư đưa cho, đứng dậy nói lời cáo từ: “Đồng chí yên tâm, tôi biết nên làm như thế nào rồi. Có việc gì ngoài dự kiến, tôi báo cáo kịp thời cho đồng chí”.
Tổ điều tra của thủ tướng
Tổ điều tra của thủ tướng không liên hệ với huyện ủy mà trực tiếp tìm đồng chí trưởng Phòng nông nghiệp huyện Giám Lợi. Cả quá trình điều tra, về phía huyện Giám Lợi chỉ có một đồng chí trưởng phòng nông nghiệp huyện Khương Anh Hoa đi theo. Ngày 1-4, tổ điều tra xuất phát từ huyện lỵ, điểm đầu tiên tuyên bố công khai trước lúc ra đi là đến thị trấn Kiều Thị, nhưng đến nửa đường liền thay đổi ý kiến, đến thẳng xã Bàn Cờ. 11g trưa, tôi nhận được điện thoại của đồng chí trưởng phòng Khương Anh Hoa dặn tôi phải trực ở trụ sở xã đợi. Lúc đó tôi mới rõ tổ điều tra đến là vì bức thư của tôi.
Tổ điều tra của thủ tướng chỉ có hai người. Đồng chí Hạ Quân Vĩ và đồng chí Phạm Văn Bác đều là lãnh đạo cấp cục vụ Bộ Nông nghiệp, ngoài ra có đồng chí trưởng phòng nông nghiệp của sở nông nghiệp tỉnh và trưởng phòng nông nghiệp huyện Giám Lợi đi theo.
Sau khi cục trưởng Vĩ đến trụ sở đảng ủy xã Bàn Cờ, nhận biết được tôi nhưng vẫn tỏ ra xa cách, không hề có một cảm tình vồ vập nào. Ngồi yên vị, cục trưởng Vĩ nói rõ lý do cuộc họp ngày hôm nay. Đồng chí nói: “Căn cứ vào chỉ thị của thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp tổ chức một số tổ điều tra đi khắp các địa phương để điều tra nghiên cứu một số tình hình. Xã Bàn Cờ chỉ là một điểm trong nhiều điểm chọn, hi vọng có sự phối hợp tốt của các đồng chí trong xã, cung cấp một số tình hình và phương tiện”.
Rất rõ ràng, cục trưởng nói như vậy là có ý bảo vệ tôi. Tổ điều tra yêu cầu xã cung cấp những số liệu (sổ đóng góp của nông dân, giá thu mua lương thực, tình hình nợ nần, việc đi làm ăn bên ngoài...). Tổ điều tra không yêu cầu cán bộ lãnh đạo xã đi theo, cũng không dùng xe của xã, hoàn toàn tự lo về ăn ở. Tổ điều tra yêu cầu không được công khai thân phận của tổ, để tổ có thể nắm chắc tình hình thực tế.

Lý Xương Bình
Những điều trông thấy...
Thôn Giác Hồ trở thành điểm điều tra đầu tiên của tổ. Nhà nhà trồng lúa, nhà nhà lỗ chổng thây. Lúc đó trong thôn còn hơn 10 vạn kg thóc, giá lương thực thấp đến mức 0,78đ/kg mà chính phủ vẫn không muốn mua. Tài chính thôn nợ hơn 80 vạn đồng, ra tết đến nay thôn có 1.400 mẫu không ai nhòm ngó tới, đồng bào quyết một lòng không trồng cấy nữa. Còn vấn đề ai làm cán bộ thôn, đồng bào nói: “Ai làm thì làm đều được cả, còn chúng tôi sẽ đi hết. Cán bộ làm việc của cán bộ, chúng tôi làm việc của chúng tôi. Cán bộ đừng quản việc của chúng tôi, chúng tôi không quản việc của cán bộ, hai bên không nên can thiệp vào công việc của nhau. Cán bộ bảo trách nhiệm phải trồng lúa thì cán bộ cứ đi mà trồng. Từ nay về sau chúng tôi không làm lúa nữa”.
Thấy tình cảnh như vậy, cục trưởng Vĩ cảm thấy lạ lùng, nói: “Trước đây chúng ta cứ tưởng nông dân rất yêu quí ruộng đất, khó mà tách họ ra khỏi ruộng đất. Còn hôm nay nông dân không thích ruộng đất, không thích trồng lúa, không thích làm nông dân nữa, chúng ta hiểu thấm thía hơn một điều nữa là: chỉ khi nào ruộng đất đem lại lợi ích cho nông dân, nông dân mới có cảm tình với ruộng đất. Làm ruộng không có lợi ích gì thì dù cho quyền sở hữu có rõ ràng đến mấy, bà con vẫn không ai thích ruộng đất, thích kinh doanh ruộng đất. Điều này có quan hệ rất chặt chẽ với việc đặt ra chính sách nông nghiệp từ nay về sau”.
Tổ điều tra tiếp tục đến thôn Hầu Vương. Bí thư chi bộ thôn Hầu Vương dẫn cục trưởng Vĩ đến liền một lúc bảy nhà, không nhìn thấy một lao động nào khỏe mạnh ở nhà hết. Không có gia đình nào có đồ dùng gia đình ra hồn cả, không hộ nào có tivi màu. Nhìn thấy tận mắt, cục trưởng Vĩ trong lòng day dứt vô hạn, không cầm nổi nước mắt, nói một cách thương tâm: “Thực trạng của nông dân sống khó khăn như vậy, chúng ta sao có thể bắt họ đóng góp bình quân một năm một nhân khẩu 600 đồng được”.
Ngày thứ hai, tổ điều tra đến thôn Phan Hà thuộc khu Long Loan thì xảy ra một sự kiện thê thảm. Bí thư chi bộ thôn Liễu Cảnh Song uống thuốc độc tự tử. Năm 1997, Liễu Cảnh Song có bảo lãnh cho người thân của mình vay Liễu Cảnh Hổ 2.000 đồng với lãi suất cao. Thời gian đã quá ba năm, lãi mẹ đẻ lãi con, cả gốc lẫn lãi đến nay đã lên tới 6.000 đồng. Người thân của Liễu Cảnh Song cũng chưa có khả năng trả. Sau khi Liễu Cảnh Song làm bí thư, Liễu Cảnh Hổ ngày nào cũng đến nhà Cảnh Song đòi nợ, dùng những lời lẽ độc ác mắng nhiếc, làm nhục Cảnh Song. Lời qua tiếng lại năm bảy lần, Cảnh Hổ bức Cảnh Song càng chặt. Cảnh Song thiếu chí khí, nghĩ không ra, uống thuốc độc tự tử.
Trước khi ra về, đồng chí Vĩ và đồng chí Bác mỗi người rút 200 đồng, nhờ người đưa cho người nhà của Cảnh Song. Đồng chí cục trưởng Vĩ hỏi: “Tố chất cán bộ của xã đồng chí không kém, hơn nữa đại đa số cán bộ xã thôn đều là con em của nông dân, vì sao quan hệ giữa cán bộ và quần chúng căng thẳng đến mức như vậy?”. Tôi cho rằng nhân tố quyết định mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng tốt hay xấu là ở chỗ chính sách của đảng ở nông thôn có được chấp hành tốt hay không. Lúc nào chính sách của đảng chấp hành tốt, lúc đó mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng nhất định tốt. Thứ hai là lợi ích của cán bộ và quần chúng phải đảm bảo được sự thống nhất. Cán bộ không nên có đặc lợi. Nếu xem lợi ích của cán bộ cao hơn lợi ích của quần chúng nhân dân thì mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng sẽ bị tổn hại. Một khi cán bộ phát triển thành một giai cấp, một tầng lớp có đặc lợi, cùng tranh lợi ích với nhân dân, thì mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng sẽ ngày một gay gắt. Mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng tuy xuất hiện ở cơ sở nhưng trách nhiệm là ở bên trên”.
Ngày 5-4, tổ điều tra rời khỏi Giám Lợi, các đồng chí đưa cho tôi bản sao bức thư của tôi, trong đó có ghi ý kiến của các đồng chí lãnh đạo nhà nước: Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Trần Diệu Bang, có chữ ký và đóng dấu để tôi làm kỷ niệm. Hai đồng chí luôn dặn tôi thường xuyên giữ mối liên hệ với các đồng chí.
Tiễn hai đồng chí cục trưởng ra về, tôi liền tìm đến đồng chí bí thư huyện ủy Y báo cáo nội dung bức thư tôi đã viết và tinh thần chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo trung ương, cũng như tình hình tổ điều tra của thủ tướng về làm việc tại xã Bàn Cờ và cuộc trao đổi trong hai đêm qua với tổ. Đồng chí bí thư huyện ủy Y không tỏ rõ một thái độ nào, cũng không nhìn thẳng vào mặt tôi.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(TRẦN TRỌNG SÂM dịch)
Tôi nói thật với Thủ tướng (kỳ 5): Trên có chính sách, dưới có đối sách
(01-09-2007)
Tổ điều tra của T.Ư vừa đi khỏi thì các tổ điều tra của huyện, thành phố, tỉnh ập đến xã Bàn Cờ. Tổ điều tra phân nhiều nhóm nhỏ, điều tra theo từng chuyên đề. Tôi phải hội thảo với từng nhóm nhỏ một, có lúc có đồng chí trong tổ điều tra hỏi tôi như một kẻ phạm tội.

Tại sao lại thiếu hai người?
Trước khi tổ điều tra của huyện, thành phố, tỉnh đến xã Bàn Cờ, họ đã nghiên cứu kỹ bức thư tôi viết. Họ không tin tưởng những số liệu đề cập trong bức thư là chân thật. Đến xã trưởng Hà là xã trưởng lâu năm ở xã Bàn Cờ cũng kiên quyết nói tôi bịa, nói quá sự thật. Thậm chí đến bí thư đảng ủy xã tiền nhiệm Cảnh Thanh Xưng dám đảm bảo chịu mất đầu nói rằng tình hình kinh tế của xã Bàn Cờ không hề có như trong thư đã viết.
Tôi cảm thấy vấn đề tổ điều tra quan tâm không phải là những điểm trong thư tôi đã viết, làm thế nào để nghiên cứu giải quyết những điều đã phản ảnh trong thư. Mục đích của tổ là tìm đủ chứng cớ để phủ nhận bức thư này.
Tôi đến xã Bàn Cờ công tác, tuy thời gian không dài nhưng với hơn 17 năm kinh nghiệm công tác ở nông thôn đã rèn luyện cho tôi được một thói quen: mỗi khi đến một cơ sở nào mới đều phải tìm hiểu kỹ và nắm chắc tình hình số liệu cụ thể ở địa phương đó từ trước đến nay.
Xã Bàn Cờ được thành lập từ năm 1987, đến nay chưa bao giờ có quyết toán hằng năm chính xác và dứt điểm. Tôi tổ chức một tổ chuyên chỉnh lý lại sổ sách, mất hai tháng trời mới rõ được mọi ngọn nguồn.
Vừa mới điều tra, lập trường của các tổ viên không thống nhất, tranh luận rất ác liệt. Nhưng dần dần tổ điều tra được thâm nhập sâu hơn. Các đồng chí tham gia mỗi ngày quan điểm một nhích lại gần nhau hơn, cuối cùng đều thống nhất với quan điểm của tôi như đã viết trong thư.
Tình thế cuộc điều tra phát triển như vậy làm tổ trưởng tổ điều tra của huyện, thành phố cảm thấy thất vọng. Nhưng cuối cùng tôi cũng bị họ bắt bẻ một điều là số cán bộ nhân viên ăn cơm theo tài chính xã Bàn Cờ sao lại thiếu hai người?
Chánh văn phòng huyện ủy nắm lấy cớ này để nói trước đây huyện ủy nắm rất chắc số liệu, tác phong sâu sát thật sự cầu thị như thế nào, không bao giờ để xảy ra báo cáo sai con số... Chánh văn phòng huyện ủy mượn cớ này để phê bình bóng gió tôi dám viết thư báo cáo lên trung ương, phản ảnh tình hình không thật sự cầu thị.
Nhưng một đồng chí khác ở tổ điều tra tỉnh có họ là Nghiêm nghe không lọt tai, vội cắt đứt ý kiến của chánh văn phòng huyện ủy Lưu, nói: “Ông Lưu! Bí thư Lý phản ảnh tình hình lên trung ương về cơ bản là đúng sự thật, tổ điều tra không nên đi sâu vào chỗ vụn vặt như vậy”.
Các “đối sách”
Tổ điều tra của phòng lương thực đến điều tra việc chấp hành chính sách thu mua lương thực của trung ương, lấy chứng cứ trên hóa đơn 1,1đ/kg, cho như vậy đã chấp hành đúng chế độ chính sách của nhà nước, không tìm hiểu vì sao nông dân chỉ nhận được 0,7đ/kg. Họ không cần biết. Họ không quan tâm mặt này, chỉ cần chứng từ hóa đơn ghi đúng 1,1đ/kg là sự thật. Lãnh đạo HTX tín dụng thành phố đến điều tra về tình hình cho vay nợ thấy lãi suất 21%/năm. Họ nói đó là phù hợp với chính sách, nhưng nhân dân xã Bàn Cờ nói là không phù hợp với chính sách. Họ thẳng thừng trả lời:
- “Nếu không phù hợp thì các vị đến ngân hàng trung ương mà vay”.
Tổ điều tra của ngành giáo dục đến điều tra không hề hỏi gì đến việc nhà trường loạn thu phí, loạn chi tiêu, giáo viên quá thừa, giáo dục lũng đoạn, đạo đức giáo viên giảm sút... Họ cũng chẳng cần biết xã mỗi năm đã phải chi cho nhà trường trên 70% đóng góp của dân. Họ chỉ biết trách mắng lãnh đạo xã không coi trọng giáo dục, rồi thao thao bất tuyệt giảng giải về tầm quan trọng của giáo dục mỹ đức như thế nào.
Hoạt động của các nhóm điều tra theo chuyên đề đại loại như vậy. Tôi phải mất 16 ngày không làm gì để phục vụ họ làm những việc này.
Ngày 21-4, thường vụ huyện ủy họp quyết định: xã Bàn Cờ còn 20.000 mẫu đất bỏ hoang, từ nay đến cuối tháng phải tổ chức vận động nhân dân cày cấy hết. Lãnh đạo tỉnh sẽ đến kiểm tra. Trước mặt lãnh đạo tỉnh, nếu vấn đề này không được giải quyết thì đồng chí Lý phải chịu trách nhiệm.
Tan họp, hai vị thường vụ huyện ủy về ngay tại xã Bàn Cờ đôn đốc thúc ép tôi. Tôi thừa hiểu cách làm ăn này của cấp trên là cố ý đưa tôi vào tròng để qui trách nhiệm.
Tôi chủ trương giúp đỡ các hộ cấy thêm bằng giống, phân, lương thực, cho vay tín dụng, sức kéo... HTX cung tiêu sẽ trực tiếp giúp đỡ giải quyết khó khăn cụ thể cho từng hộ. Như vậy là có thể nhất cử mà mấy được.
Theo dòng suy nghĩ như vậy, tôi đưa ý kiến này trao đổi với hai đồng chí thường vụ huyện ủy để họ cho ý kiến. Không ngờ họ trả lời như thế này: “Đã có bản lĩnh phản ảnh tình hình thì có bản lĩnh giải quyết tình hình. Bất kể biện pháp nào, miễn là đừng để ruộng bỏ hoang. Mặc cho các anh nghĩ, mặc cho các anh bàn, cuối tháng giải quyết xong là được”.
Người cô độc nhất trong tháng
Từ 1-4 đến 6-5 là tháng tôi phải sống cô độc nhất.
Ngày 8-4, ở huyện lan truyền về một tin tức có vị lãnh đạo nào đó ở Hồ Bắc nói: “Tại sao huyện Giám Lợi lại chọn loại người như Lý Xương Bình làm bí thư?”.
Ngày 10-4, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Giám Lợi tiến hành điều tra về tình hình kinh tế của tôi ở những địa phương tôi đã làm bí thư.
Ngày 18-4, bí thư huyện ủy Y được thăng chức làm phó chủ tịch thành phố Kinh Châu, chủ quản về nông nghiệp và đóng góp của nông dân.
Ngày 24-4, bí thư huyện ủy Y báo cáo tại hội nghị lãnh đạo chủ chốt xã, các khoa, ban, phòng các huyện về tình hình nợ nần của 10 huyện thị tại thành phố Kinh Châu.
Ở hội nghị này, bí thư Đảng ủy xã Chu Hà công khai chỉ trích tôi, nói tôi viết thư lên thủ tướng đã làm xấu hình tượng của huyện Giám Lợi, phá hoại hình tượng của huyện Giám Lợi.
Phó chủ tịch thành phố Kinh Châu Y đưa mắt nhìn, cổ vũ bí thư Đảng ủy xã Chu Hà.
Bản tin truyền hình của huyện không có hình ảnh của tôi. Báo cáo của huyện không nói cụ thể tên tôi, mà nói là “người lãnh đạo xã Bàn Cờ”.
Đến huyện họp, tôi không thể không ngồi một mình, tan họp không thể không về sau cùng. Gặp bạn bè quan chức không thể không nhìn và gượng gạo bắt tay.
Tôi không thể để liên lụy đến bạn bè. Tôi không thể không tự mình nếm thử nỗi khổ não và cô độc như một mình đi trên thảo nguyên vậy.
Ở Lư Sơn biết bao người được gọi là vĩ nhân, phản bội lương tâm đứng bên Mao chủ tịch đánh đổ tướng quân Bành Đức Hoài. Chính nghĩa và lương tâm bị phán xét.
Cho đến hôm nay tôi mới hiểu thấu mối quan hệ quân thần thắng xa quan hệ đồng chí.
Nhưng trong nội tâm tôi ngưng tụ một lực lượng hùng mạnh, nhất tâm nhất ý tiến hành cải cách ở xã Bàn Cờ. Tôi tin tưởng hai đồng chí cục trưởng có cảm tình với chính nghĩa và đầy tinh thần trách nhiệm sẽ báo cáo sự thật lên T.Ư, lên thủ tướng tình hình thực tế của nông thôn.
Tôi tin tưởng chắc chắn T.Ư sẽ có tiếng nói kinh thiên động địa, sẽ như gió xuân thổi tan mây mù đen tối.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(Trần Trọng Sâm dịch)
Ngày 4-5, báo cáo của hai đồng chí Hạ Quân Vỹ và Phan Văn Bác đã được đặt lên bàn Thủ tướng Chu Dung Cơ.
Ngày 8-5, cục trưởng Hạ gọi điện thoại cho tôi nói Thủ tướng Chu Dung Cơ, Phó chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Phó thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó thủ tướng Lý Tam Thanh đều đã có lời phê quan trọng vào báo cáo điều tra của Bộ Nông nghiệp đã nộp cho thủ tướng.
Về sau, tôi còn được biết Thủ tướng Chu Dung Cơ khi viết xong chỉ thị còn yêu cầu các đồng chí Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo đọc lại, hơn nữa còn yêu cầu chủ nhiệm UBKH nhà nước, bộ trưởng Bộ Tài chính xem một cách cẩn thận, sau đó mới sao gửi lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc Hạ Chí Kiệt và Tưởng Chúc Bình.
Thủ tướng chỉ rõ: nông dân thật khổ, nông thôn thật nghèo, nông nghiệp thật nguy hiểm. Tuy không phải là tình hình toàn diện, nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta thường đem một số tình hình tốt đẹp xem là tình hình toàn diện, hơn nữa ngộ tin tình hình báo hỉ của cán bộ cơ sở, coi nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề.
Phó chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong khi viết chỉ thị có tỏ ra lo lắng với tình hình đã phản ảnh trong thư.
Phó thủ tướng Ôn Gia Bảo trong khi viết chỉ thị đặc biệt nêu phải coi trọng những địa phương đã có hiện tượng bỏ hoang ruộng đất. Nói rõ hội nghị công tác lương thực lần này, ngoài quán triệt các chính sách biện pháp bảo hộ giá thu mua lương thực dư thừa của nông dân ra, cần phải nhấn mạnh vấn đề giảm nhẹ đóng góp cho nông dân.
Cục trưởng Hạ còn cho tôi biết T.Ư đang bắt đầu nghiên cứu biện pháp giải quyết các vấn đề đột xuất ở nông thôn. Cục trưởng động viên tôi mạnh dạn tiến hành cải cách ở xã Bàn Cờ, còn nói thêm cuối năm sẽ đến điều tra lại.
Tôi nói thật với Thủ tướng (kỳ 6): Nếu truy cứu trách nhiệm của người có trách nhiệm
(11-08-2007)
Ngày 19-5, phóng viên tờ nhật báo Nông Dân Hà Hồng Vệ đã phá tan sự phong tỏa tin tức ở thành phố Kinh Châu và huyện Giám Lợi về việc tôi viết thư lên trung ương với đề mục: “Lời nói tận đáy lòng của một bí thư đảng ủy xã”, đưa tin về nội dung bức thư của tôi gửi lên thủ tướng.

Ban biên tập nhật báo Nông Dân cũng mở một cột để mọi người tham gia thảo luận vấn đề “Làm thế nào để thiết thực thực hiện chính sách của Đảng, giải quyết vấn đề thực tế”, đã gây nên sự hưởng ứng mãnh liệt trong nông thôn cả nước.
Chuyện xưa nay chưa từng có
Ngày 6-6, mưa nhỏ liên tục, bí thư tỉnh ủy Giả Chí Kiệt, chủ tịch tỉnh Tưởng Chúc Bình, phó bí thư tỉnh ủy Vương Sinh Thiết, phó chủ tịch tỉnh Giả Thiên Tăng dẫn lãnh đạo các phòng ban của Sở Thủy lợi, Sở Giao thông, Sở Tài chính... cả thảy 30 người thâm nhập xã Bàn Cờ để tiến hành điều tra nghiên cứu. Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh dẫn một đoàn người đông như vậy đến một xã để nghiên cứu điều tra tình hình là điều chưa bao giờ có .
Để đón tiếp lãnh đạo tỉnh, bốn nhà lãnh đạo huyện Giám Lợi đã phải mất một tuần lễ chuẩn bị hết sức tỉ mỉ và chu đáo. Công tác chuẩn bị do tất cả lực lượng lãnh đạo các cấp của bốn nhà lãnh đạo huyện Giám Lợi sử dụng hết mọi lực lượng cơ động cảnh sát của toàn huyện. Chuẩn bị với tinh thần: bề ngoài có vẻ xởi lởi nhưng bên trong thì rất chặt chẽ. Ở xã Bàn Cờ chỉ một mình tôi và chủ tịch xã là biết có lãnh đạo tỉnh về, còn ra không ai biết được một tình hình cụ thể nào, không có một thông tin nào về ai đến, đến vào lúc nào. Địa điểm dừng xe đều được bố phòng nghiêm mật. Đối với những kẻ dễ loạn nói, loạn động đều có bố phòng trọng điểm. Đối với nơi cảm thấy không an toàn, dễ va chạm đều có cảnh sát mặc thường phục cảnh giới. Đối với những tài liệu các cấp cần hội báo phát biểu đều được thẩm tra trước, thống nhất chỉ nói một giọng điệu mà thôi. Thậm chí đối với những lãnh đạo nào đến dự, xe để chỗ nào, cử ai ra đón tiếp, rồi dẫn đến ngồi ở vị trí nào, nơi nào bố trí hố xí hố tiểu đều được sắp xếp rất chu đáo, tường tận.
10 giờ ngày 6-6, hai chiếc xe con ngoại nhập từ từ đi vào sân lớn của UBND xã Bàn Cờ. Đại biểu nhân dân xã Bàn Cờ ùa ra nghênh tiếp đoàn.
Xe đi đến địa điểm điều tra nghiên cứu do trên đã định trước. Tôi là người dẫn đường nên ngồi cùng xe với đồng chí bí thư tỉnh ủy Giả Chí Kiệt.
Rời khỏi cơ quan xã chưa đầy 10 phút đã đến thôn Giác Hồ ở cạnh quốc lộ. Bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh vừa xuống xe đã bắt tay hỏi thăm tình hình đời sống và tình hình đóng góp của họ. Một nông dân cầm lấy tờ thẻ ghi số tiền đóng góp năm 2000, nói với bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh: “Tình hình đóng góp năm nay (2000) được giảm hơn một nửa so với năm 1999. Nếu chỉ đóng góp như thế này là chúng tôi hoàn toàn mãn ý”. Bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh nghe xong lấy làm vui mừng, liền nói: “Không thay đổi, không ít hơn, cũng không nhiều hơn, xin bà con yên tâm”.
Nông dân có mặt hết sức phấn khởi, vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Trong lúc chủ tịch, bí thư tỉnh ủy đang chuẩn bị lên xe, một nông dân mặt mày đỏ tía giơ tay lên nói to:
- Đợi một tí, tôi còn có ý kiến muốn nói.
Không khí tự nhiên khẩn trương hơn. Người nông dân đó nói:
- Từ tivi, tôi đã từng nhìn thấy các vị, biết các vị là quan to ở tỉnh. Chúng tôi hoàn toàn tin ở các vị, chỉ sợ các vị đi rồi ở xã lại thay đổi. Cứ theo sổ sách mà nói, đóng góp của hộ tôi năm nay là bao nhiêu xin nói cho rõ. Còn như năm 1996 ở đây chúng tôi bị lụt nặng, không thu được một hạt thóc nào. Cấp trên đến cứu tế, gia đình tôi không được một xu nào lại còn bắt tôi nộp thuế phí 800 tệ. Tôi đã giao hơn 700 tệ. Thực tế là không mượn được tiền, còn thiếu 50 tệ, cán bộ xã nắm chặt lấy cổ tôi, đập đầu tôi vào tường. Lúc đó tôi muốn chết đi. Sống trên thế gian này chẳng có ý nghĩa gì cả! Cán bộ này tên là Ngô Mai Phong. Với cán bộ như thế này không xứng đáng làm quan cho Đảng Cộng sản.
Chủ tịch tỉnh nắm chặt tay người nông dân này nói liên hồi: “Quan như vậy không cần, không cần loại quan như vậy”. Để không khí được hòa hoãn bớt, chủ tịch tỉnh với vẻ khôi hài hỏi nông dân này: “Về sau 50 tệ còn giao tiếp nữa không?”.
- Giao chứ. Không giao nó cắt cổ.
Chủ tịch tỉnh hơi bị đỏ mặt.
Mọi người nặng nề lên xe tiếp tục đi đến thôn Đồng Hồ...
Giá trị của ngọn cờ
Trong cuộc họp toàn thể bí thư đảng ủy xã toàn huyện ngày 13-6, một số bí thư yêu cầu việc tinh giản cơ cấu và nhân viên phải cùng làm đồng thời ở cấp xã cũng như cấp huyện.
Vấn đề tinh giản biên chế ở ngành giáo dục và ngành tài chính đã được đưa lên chương trình nghị sự. Lúc đó hai ông thường vụ huyện ủy phụ trách công tác giáo dục và hai ông lãnh đạo cấp phó của huyện phụ trách tài chính đỏ mặt, đứng lên thanh minh.
Ông lãnh đạo Cục Giáo dục huyện nói:
- Người đâu phải do tôi sắp xếp. 57 người đều do lãnh đạo huyện sắp xếp. Trong đó bí thư huyện ủy Y có chín người. Lúc nào bí thư Y đem được chín người này đi, số còn lại tôi chịu trách nhiệm.
Ông lãnh đạo Cục Tài chính nói:
- Người của Ban tài chính thị trấn Dung Thành đều do bí thư huyện và chủ tịch huyện ký quyết định. Ai ký, người ấy chịu trách nhiệm đưa họ về nhà, tôi không làm cục trưởng thì thôi, chứ không thể làm những việc ngây thơ khờ dại như vậy.
Người của Ban tài chính thị trấn Dung Thành nói:
- Vào được Ban tài chính thị trấn Dung Thành đâu có dễ, đều mất tiền cả. Dưới 35 vạn tệ là đừng hòng vào. Bây giờ bắt chúng tôi về ư? Đừng hòng!
Bốn vị lãnh đạo chủ chốt của huyện như giẫm phải đinh. Tình hình như đang đổ dồn về đồng chí bí thư huyện ủy Y. Bí thư huyện ủy Y đỏ mặt tức giận nói:
- Không lẽ mọi người đều do tôi sắp xếp cả ư?
Việc tinh giản cơ cấu nhân viên ở cấp huyện buộc phải dừng tại đây. Như thế có thể biết việc tinh giản ở huyện là không thể nào có kết quả.
Năm 1997, khi tôi được điều về làm bí thư ở xã Thạch Mộc, trong một đợt giảm 121 người, bí thư huyện ủy viết thư đề nghị cho một người ở lại. Tôi quyết định cho người ấy về nhà đầu tiên. 121 người nhất luật thực hiện, không có gì đặc biệt, không có tình cảm riêng tư ở đây. Nhưng đến khi tôi rời khỏi xã Thạch Mộc thì vị trí của 121 người đó lại được phục hồi. Nếu cải cách ở xã mà không đồng thời cải cách ở huyện, thậm chí không đồng thời cải cách ở tỉnh, ở trung ương, thì thành tích thu đựơc chỉ là tạm bợ và không thể được củng cố.
Bộ tổ chức , Bộ nhân sự qui định rất rõ ràng. Cấp huyện chỉ có một chủ tịch, hai phó chủ tịch, nhiều nhất không được quá 4 phó chủ tịch. Nhưng thực tế có nhiều huyện đã có 6 phó chủ tịch, cao điểm có đến 10 phó chủ tịch. Các khoa, cục có lúc có đến 8 cục phó, khoa phó. Đến số lượng chức quan hành chính cũng không thể khống chế nổi thì nhân viên bình thường làm sao có thể tinh giản được.
Vì sao chính sách qui định của trung ương, của nhà nước từ trên xuống dưới đã bị biến dạng như vậy, thậm chí không được chấp hành? Một đạo lý rất rõ ràng là bàn tay không đủ cứng. Nếu như bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện, các trưởng phòng ban, các bí thư đảng ủy, các chủ tịch xã đều không vi phạm qui định đưa người nhà, bà con thân thích, người địa phương mình vào biên chế nhà nước một cách tùy tiện, tôi nghĩ trung ương hễ phát hiệu triệu là địa phương hưởng ứng ngay, nghiêm chỉnh chấp hành ngay, thậm chí hành động rất khẩn cấp. Nhưng vì người ăn cơm nhà nước đều là người nhà của mình cả, làm sao hạ nổi mệnh lệnh, ra tay kiên quyết được. Cho nên càng kéo dài được bao nhiêu càng hay, thừa cho thừa vậy.
Nếu chúng ta truy cứu trách nhiệm của người có trách nhiệm thì tôi nghĩ tất cả vợ con, thân bằng cố hữu của tất cả những người đứng đầu cơ quan đều có thể có thái độ tích cực hơn, có lòng tự trọng hơn. Đồng chí phó bí thư tỉnh ủy Vương Sinh Thiết đến ở trong nhà nông dân. Tất cả các tổ viên của tổ công tác đều vội vàng trong đêm tìm đến nhà dân ở. Đồng chí Vương Sinh Thiết dẫn đầu ăn cơm theo phiếu, mọi người cũng ăn cơm theo phiếu. Đồng chí Vương Sinh Thiết xuống ruộng cấy lúa, các cán bộ khác của tổ chẳng dám đi giày da xuống nông thôn. Các vị đứng đầu là ngọn cờ, các vị đứng đầu là tấm gương.
Nếu người đứng đầu gương mẫu chấp hành chế độ này thì chế độ đó là một thanh kiếm có lợi. Nếu người đứng đầu chính trực, có độ cứng rắn đúng mức thì ai dám ngang nhiên đứng thẳng dõng dạc nói đàng hoàng: “Muốn chúng tôi về ư? Đừng hòng!”.
Dùng biện pháp nào để chọn được người chí công vô tư, đứng vào cương vị thứ nhất, cương vị số 1.
Dùng biện pháp nào để quyền lực được giám sát bởi nhân dân quần chúng. Đây là hai vấn đề lớn mà đảng chúng ta cần phải nghiên cứu thận trọng và giải quyết triệt để.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(Trần Trọng Sâm dịch)
Tôi nói thật với thủ tướng (kỳ 7): Người không “đỏ mặt”
(19-06-2007)
Tỉnh ủy Hồ Bắc quyết định trung tuần tháng tám tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp mở rộng nghiên cứu vấn đề tam nông, bí thư huyện ủy Giám Lợi giới thiệu kinh nghiệm cải cách nông thôn huyện Giám Lợi, lấy kinh nghiệm của Giám Lợi mở rộng ra toàn tỉnh.

Để chuẩn bị hội nghị này, đồng chí phó bí thư tỉnh ủy Vương Sinh Thiết đã đến huyện Giám Lợi vào ngày 15-7, kiểm tra công tác cải cách ở xã Bàn Cờ và huyện Giám Lợi. Bí thư huyện ủy Y và tôi lần lượt hội báo tình hình ở hai cấp huyện, xã.
Kinh nghiệm của Giám Lợi
Dưới đây là hội báo của đồng chí Y:
“...Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của đồng chí phó bí thư tỉnh ủy, huyện chúng tôi chỉ thông qua một tháng đã tạo ra được thanh thế cải cách rất hoành tráng, thu được thắng lợi to lớn.
1. Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách giảm nhẹ đóng góp cho nông dân, huyện đã làm được thỏa mãn cho mọi nông hộ.
Đóng góp được giảm, tinh thần tích cực của nông dân được điều động trở lại, toàn huyện hiện nay không có một tấc đất nào bỏ hoang. Có quần chúng nói: “Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm đến chúng tôi nhiều lắm, đã trực tiếp đến huyện Giám Lợi chỉ đạo công tác. Năm nay, chúng tôi chủ động đưa tiền đóng góp, không nộp đủ là có lỗi với sự lãnh đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh”.
2. Tinh giản cơ cấu bộ máy được 350 tổ chức, số nhân viên giảm được 4.500 người. Giảm chi được 150 triệu.
3. Đã giải quyết vấn đề nợ đọng ở các cấp...
4. Quan hệ giữa quần chúng và cán bộ được cải thiện. Phó bí thư Vương Sinh Thiết tự mang hành lý đến ở nhà dân, ăn cơm theo phiếu, làm việc cho dân, cùng nông dân hòa thành một khối, đã làm gương cho cán bộ toàn huyện noi theo. Cán bộ của huyện lần này hình như được nhắc nhở sâu sắc, được giáo dục về tác phong tư tưởng, tăng cường được cảm tình giữa quần chúng với cán bộ. Đồng bào đã nói: “Tác phong của Mao Chủ tịch đã trở về rồi!”.
Phó bí thư Vương Sinh Thiết nghe xong thật sự vui mừng, hết lời khen ngợi bí thư Y có tầm nhìn, có năng lực, biết cách làm...
Tôi ngồi nghe đồng chí bí thư huyện Y hội báo mà trong lòng thấy vô cùng “thán phục”, dám trước mặt lãnh đạo tỉnh cũng như trước mặt tôi, người trong cuộc, báo cáo tình hình thiếu trung thực, có thể nói là hoàn toàn giả dối, lừa lãnh đạo, thế mà mặt đồng chí bí thư Y không hề đỏ tí nào, tâm không hề tỏ ra rối loạn, lúng túng tí nào.
Khi lời nói dối được nói 100 lần
Vấn đề tích lại ở nông thôn như núi, cần tìm phương pháp giải quyết, ít nhất cũng phải ba bốn năm. Thế mà cải cách ở Giám Lợi chỉ một tháng đã thu được thắng lợi quyết định, có thể đưa ra chỉ đạo toàn tỉnh. Màn cải cách ở phạm vi toàn tỉnh cũng nhờ vậy được mở ra. Cũng tin tưởng chẳng mất bao nhiêu thời gian, cải cách nông thôn toàn tỉnh sẽ xuất hiện vô số điển hình. Và cuối năm tỉnh Hồ Bắc có thể báo cáo với trung ương là đã đưa chỉ thị của Thủ tướng Chu Dung Cơ, Phó chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Phó thủ tướng Ôn Gia Bảo vào cuộc sống...
Trong lịch sử nước Trung Hoa mới, đã phóng rất nhiều vệ tinh “người có bao nhiêu gan, đất có bấy nhiêu cao sản”. Những sự việc này đồng bào nghe xong cảm thấy rất hoang đường, nhưng người làm quan nghe xong cảm thấy rất mới, thích thú vui mừng. Dưới con mắt người có quyền, cái giả của thật là thứ yếu, cái mà mình có thể sử dụng được mới là quan trọng.
“Cải cách, phát triển, ổn định” có những khó khăn gì? Trên yêu cầu điển hình cải cách như thế nào thì bên dưới đẻ ra điển hình cải cách như vậy. Trên yêu cầu dưới phát triển với tốc độ như thế nào thì dưới báo số liệu có căn cứ như vậy. Trên nói “ổn định áp đảo tất cả”, dưới liền bỏ tiền ra mua ổn định, dù cho xảy ra những án lớn cũng giấu án, không báo cáo. Tất cả đều xuất phát từ sự vui lòng của lãnh đạo, lấy mục đích báo lên trên để được biểu dương khen thưởng là chính, là phương thức công tác hiện hành nhất của cán bộ cơ sở hiện nay.
Muốn cho lãnh đạo vui mừng, quá dễ dàng. Lời nói giả dối được nói 100 lần cũng thành lời nói thật. Ai không tin cũng buộc phải tin.
Nhưng Thủ tướng Chu Dung Cơ rất tỉnh táo. Trong chỉ thị của thủ tướng đã nêu rõ: “Vấn đề là ở chỗ chúng ta thường đem một số tình hình tốt đẹp xem là tình hình toàn diện, hơn nữa còn ngộ tin báo hỉ của cán bộ cấp dưới, coi nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề”. Đây là những năm lời nói giả dối được xem là chân lý, dù thủ tướng có biết bên dưới nói dối nhưng thủ tướng cũng không thể có biện pháp nào thay đổi được tình hình này.
Phá tan “ba lũng đoạn”
Để cho tư tưởng của thủ tướng được chấp hành một cách trung thực thì phải phá tan “ba lũng đoạn” lớn trong quá trình vận hành hành chính của chính phủ.
Thứ nhất, phá tan lũng đoạn hóa về phản hồi tin tức chấp hành chính lệnh. Sau khi trung ương bố trí một loại công tác nào, bên dưới chấp hành được như thế nào, nên có sự phản hồi chân thật kịp thời, để hệ thống chỉ huy kịp thời căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất chiến thuật điều chỉnh, để đảm bảo mục tiêu được thực hiện. Muốn bảo đảm sự phản hồi tin tức được chân thật, kịp thời thì phải bảo đảm hệ thống phản hồi tin tức và hệ thống chấp hành được độc lập, hơn nữa hệ thống phản hồi tin tức này nên được cấu thành bởi nhiều hệ thống đa nguyên hóa, nhiều nguồn, nhiều tầng thứ. Dưới sự lừa dối của tin tức phản hồi giả, chỉ lệnh của hệ thống chỉ huy sẽ mất đi hiệu lực, cho nên mới có hiện tượng có lệnh mà không chấp hành, có cấm mà không dừng lại được, trên có chính sách, dưới có đối sách.
Thứ hai, phá tan sự lũng đoạn hóa của quyền giám sát.
Sự giám sát của đảng trong quá trình giám sát chiếm địa vị lũng đoạn, giám sát thiếu hiệu quả. Sự giám sát hiện nay có sự giám sát của cấp trên đối với cấp dưới, sự giám sát đồng cấp và sự giám sát của cấp dưới đối với cấp trên.
Cấp dưới tổn hại đến lợi ích của nhân dân thường là để hiếu kính cấp trên. Cho nên giám sát của cấp trên đối với cấp dưới đã biến thành giám sát của cha đối với con. Nguyên tắc nói chung của sự giám sát này là trong nhà có chuyện xấu không được truyền ra bên ngoài. Chỉ có thể việc to biến thành nhỏ, việc nhỏ hóa không có việc gì.
Sự giám sát đồng cấp như sự giám sát của anh đối với em, đặc biệt hiện nay cán bộ xã đã phát triển trở thành một giai tầng có thế lực mạnh, mâu thuẫn giữa cán bộ và quần chúng là mâu thuẫn giữa hai lợi ích khác nhau, cho nên giữa anh và em không thể moi ruột nhau ra cho người ta thấy. Sự giám sát này đã trở thành một sự bảo hộ. Còn sự giám sát của cấp dưới đối với cấp trên cũng chỉ là sự giám sát của con đối với cha.
Giám sát nên phát huy tác dụng giám sát của pháp luật. Không thể dùng giám sát trong đảng thay thế giám sát của pháp luật. Giám sát của pháp luật là hình thức cao nhất của giám sát nhân dân, là không dễ dàng gì thay thế được, nếu không xã hội không còn chính nghĩa công bằng và quan niệm pháp luật. Nên hoan nghênh sự giám sát của các đảng phái dân chủ và giới nhân sĩ trí thức, cổ vũ sự giám sát của dư luận.
Thứ ba phá tan sự lũng đoạn về quyền sử dụng người.
Chế độ đảng quản lý cán bộ rất tốt, nhưng phương thức quản lý có thể cải tiến. Hiện nay 99% cán bộ đều được sinh ra từ bộ máy tổ chức cán bộ của đảng các cấp, là do lãnh đạo quyết định, hình thành nên cục diện lũng đoạn. Sự lũng đoạn này không có lợi cho việc chọn lựa được nhiều nhân tài ưu tú, cũng không có lợi cho việc đào thải cán bộ, càng không có lợi cho việc giám sát lẫn nhau giữa cán bộ với nhau.
Cán bộ nên từ các đảng phái, các đoàn thể, thậm chí do cá nhân tiến cử, rồi thông qua sự sát hạch của bộ môn tổ chức. Tổ chức và cá nhân tiến cử nên chịu trách nhiệm. Ví dụ anh là cán bộ lãnh đạo, cán bộ được anh tiến cử vi phạm sai lầm chủ quan thì anh cũng phải giáng chức, xuống cấp và chịu xử lý trách nhiệm liên đới khác. Chỉ có như vậy đội ngũ cán bộ mới tích tụ được người có tài đức thật sự, chính phủ mới trở thành một chính phủ thật sự cầu thị.
Người bí thư đảng ủy xã đã trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận. 3.000 tờ báo Phương Nam Cuối Tuần đưa tin về Lý Xương Bình trên trang nhất đã được một người kinh doanh ngay trong đêm chuyển về huyện Giám Lợi.
Bí thư huyện ủy điều động công an giữ xe, giữ báo. Những sự cố hi hữu đã xuất hiện.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(Trần Trọng Sâm dịch)
Giải quyết vấn đề “tam nông” theo kiểu Lý Xương Bình nêu ra có lẽ còn phải cần rất nhiều thời gian, cần nhiều suy nghĩ, cần nhiều người phát ngôn, nhiều người xây dựng nữa. Nhưng điều đáng cho chúng ta vui mừng và được an ủi là bản thân vấn đề đã được phơi bày, không còn ai có thể che đậy, che giấu được nữa.
Một vấn đề phải trực diện đối mặt, chứ không phải cố tình trốn tránh lấp liếm che giấu, thì dù cho vấn đề đó có nghiêm trọng đến đâu vẫn không đáng sợ, chỉ cần chúng ta thật sự có dũng khí.
Rất nhiều người ái mộ anh hùng, mến phục vĩ nhân. Mến phục của tôi rất bình thường: tôi mến phục những con người có nếp nghĩ chân thật và là người phát ngôn những tiếng nói của thời đại.
TẦN SÓC (Tổng biên tập tạp chí kinh tế Cửa Sổ Phương Nam)
Tôi nói thật với thủ tướng (kỳ 8): Báo chí vào cuộc và sự chi viện của chính nghĩa
(03-09-2007)
Ngày 24-8-2000, báo Phương Nam Cuối Tuần với trang báo đầu tiên, cột mục đầu tiên đăng tin tôi gửi thư lên trung ương đã dẫn đến cao trào cải cách ở Giám Lợi... Độc giả khắp nơi gửi thư cho tôi, đặc biệt là thư của nông dân... Độc giả hỏi con đường nào để gửi thư lên Thủ tướng...

Sự cố của bí thư Y
Ngày 24-8-2000, báo Phương Nam Cuối Tuần với trang báo đầu tiên, cột mục đầu tiên đăng tin tôi gửi thư lên trung ương đã dẫn đến cao trào cải cách ở Giám Lợi. Ngày báo xuất bản, một người Giám Lợi tên là Khuông Đạo Hồng, buôn bán ở Hồ Nam, đọc được báo, định lợi dụng sự nhạy cảm của mình trong buôn bán cũng như quan tâm đến cải cách ở quê hương, ông ta lập tức đến tòa báo đặt mua 3.000 tờ, chuyển ngay về Giám Lợi trong đêm.
Lúc đầu ông ta định kiếm lãi một tờ báo 2 đồng, nhưng về sau thấy làm như vậy không thỏa đáng nên đổi bán thành cho.
Tin tức có người phát không báo rất nhanh được chuyển đến đồng chí bí thư huyện ủy Y. Vì không biết rõ trong báo đăng những tin gì nên đã vội ra lệnh điều động công an giữ báo. Tài xế và xe của Khuông Đạo Hồng bị mời đến văn phòng UBND thị trấn Dung Thành. Công an tiến hành thẩm vấn lái xe liên tiếp trong 12 giờ đồng hồ, buộc lái xe phải nói rõ ai chở báo và người đứng đằng sau là ai. Không nói không thả người, trả xe.
Sáng sớm hôm sau, bí thư Y tiếp tục chủ trì hội nghị bộ tứ, chuyên đề là nghiên cứu làm sao quét sạch những nọc độc của báo Phương Nam Cuối Tuần, duy trì ổn định ở Giám Lợi. Hội nghị quyết định cử chủ nhiệm Ban kỷ luật đảng của huyện ủy là Tưởng Hùng tìm Lý Xương Bình, truyền đạt ý kiến của lãnh đạo bộ tứ huyện: gặp giới truyền thông báo chí phải được huyện ủy cho phép. Huyện ủy qui định cán bộ đảng viên muốn tiếp phóng viên theo yêu cầu của phóng viên phải được Ban tuyên huấn huyện ủy phê chuẩn. Trong hội nghị còn có kẻ chỉ trích tôi rất nghiêm khắc về việc tôi tiếp phóng viên báo Phương Nam Cuối Tuần, cho rằng Giám Lợi không ổn định là vì Lý Xương Bình. Đương nhiên một vài đồng chí khác im lặng trầm mặc để biểu lộ ý kiến của mình.
Khuông Đạo Hồng trong đêm ấy không tìm thấy lái xe và xe, vội vàng đến mức như kiến bò trong chảo. Khi biết được tin xe và lái xe bị công an huyện bắt giữ, liền trực tiếp điện thoại cho bí thư huyện ủy Y, yêu cầu ngay lập tức thả người, trả xe vô điều kiện. Bí thư Y lúc đó mới tỉnh ngộ ra, người chuyển báo đến không phải là ai khác mà là bạn cũ của bí thư - Khuông Đạo Hồng. Lúc đó bí thư Y mới biết mình làm sai rồi, buộc phải giả hồ đồ, nói không biết chuyện giữ xe bắt người.
- Đây có thể là một sự hiểu lầm, tôi gọi trưởng công an huyện trao đổi một tí, nếu không có vấn đề gì thì trả xe ngay.
Tấm lòng của độc giả
Vì sao Lý Xương Bình được đại đa số người ủng hộ như vậy? Đó là vì Lý Xương Bình dám đối mặt với thực tế, dũng cảm nói ra sự thật, vạch rõ chân tướng. Một dân tộc dám đối mặt với sự thật mới là một dân tộc tự cường. Đứng đầu thế vận hội là điều chúng ta muốn, chúng ta cần. Đời sống vui chơi giải trí, chúng ta cần. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng ta cần. Của cải vật chất là cái đồng bào theo đuổi. Nhưng so với tất cả những cái này thì một xã hội khỏe mạnh, công chính tự tin và đầy đủ lý tính mới là mảnh đất bồi dưỡng nên mọi sự trưởng thành.
Ý kiến trên mạng SHAN 1123
Độc giả khắp nơi gửi thư cho tôi, đặc biệt là thư của nông dân. Đại đa số đều phản ảnh tình hình đóng góp của nông dân ở quê nhà quá nặng, cán bộ quá hống hách, lãnh đạo xã quá tham lam, có án oan không xử, có lý không giải quyết. Độc giả hỏi tôi nên thông qua con đường nào để gửi thư lên thủ tướng. Những sinh viên đại học con nhà nông dân đều nói lên tình trạng lạc hậu và nghèo đói ở quê hương, nỗi vất vả và đắng cay của cha mẹ, sự hung bạo của cán bộ và tham quan.
Nhà văn và các nhà trí thức đa số quan tâm đến cải cách của Giám Lợi hỏi tôi có thể đi sâu hơn nữa được không? Đã triệt để chưa? Quan tâm đến tôi là có thể trụ nổi không?... Cán bộ các cấp ở xã thị trấn thì tỏ rõ sự bất ngờ, lo lắng, hi vọng bức thư tôi viết được thủ tướng chú ý, điều chỉnh kịp thời chính sách nông thôn. Thư của các nhà lãnh đạo xí nghiệp công nghiệp cũng không ít, tỏ rõ mong muốn được giúp đỡ tôi và xã Bàn Cờ.
Tiết mục Thời gian không gian phương Đông, Việc thực nói thực của vô tuyến truyền hình trung ương, Có lời cứ nói của vô tuyến truyền hình tỉnh Hồ Nam và một số công ty môi giới ở trong nước và cả ngoài nước liên tục gọi điện thoại cho tôi. Nhiều đến mức đồng chí trực điện thoại cũng phải mềm lòng, đề nghị tôi nên cầm máy nói vài lời với họ. Tôi trả lời cứ nói thẳng với họ huyện ủy đã có quyết định muốn gặp nhà báo phải có sự đồng ý của Ban tuyên giáo huyện ủy.
- Sao lại trả lời như vậy? - đồng chí trực điện thoại hỏi tôi.
- Trả lời như vậy chứng tỏ chúng ta quang minh chính đại, giữ được sự nhất trí giữa chúng ta và huyện ủy. Ai gây ra khó khăn thì trả lại khó khăn cho họ giải quyết.
Phóng viên báo chí, công ty môi giới lại gọi điện thoại đến Ban tuyên huấn huyện ủy. Ở cơ quan huyện lại rối lên, lãnh đạo ban tuyên huấn trực 24/24 giờ, gọi điện thoại cho tôi tìm hiểu tình hình, rất sợ tôi tiếp xúc với môi giới báo chí. Huyện cử đến một người giám sát tôi, trực tiếp tiếp đãi giới phóng viên báo chí.
Đồng chí Hồ Song Phong, biên tập kiêm đạo diễn tiết mục Việc thực nói thực, bất kể được đồng ý hay không, cho xe chạy thẳng đến trụ sở của ủy ban xã đợi đến hai ngày hai đêm, nói không nhìn thấy Lý Xương Bình không về. Đối với phóng viên báo chí như vậy, có cứng đến đâu cũng phải nhũn ra, tôi phải ra tiếp, bắt tay và xin lỗi.
Lấy thoái để tiến
Tại xã Bàn Cờ mỗi ngày đều có người hội ý hội báo với huyện ủy về tung tích hành động của tôi, làm gì, gặp ai... Lãnh đạo ban tuyên huấn cả ngày đều trong lo âu. Lãnh đạo huyện thì sợ không biết ngày nào lại xuất hiện tờ Phương Bắc Cuối Tuần hay Phương Tây Cuối Tuần...
Vào thời điểm đó bí thư huyện Y đã vào nằm viện. Đây là chiêu bài lấy thoái để tiến.
Kinh nghiệm của huyện ủy Giám Lợi đã được giới thiệu ở hội nghị mở rộng toàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ra quyết định mở rộng “kinh nghiệm Giám Lợi”. Bí thư Y nằm viện, về bề ngoài là tỏ ra mình dũng cảm rút lui, nhưng sâu xa là muốn bức Thành ủy Kinh Châu cử bí thư mới đến thay thế.
Trong thời gian bí thư Y chủ trì công tác của huyện, rất nhiều công nhân, nông dân lên huyện đòi gặp. Nông dân đứng chật đầy cổng huyện làm cho công tác bình thường không thể triển khai được. Mỗi lần thấy nhân dân đến, bí thư Y liền sập cửa ngay, trốn trong phòng làm việc, không dám ló mặt ra, chỉ đến nửa đêm mới dám về nghỉ tại nhà khách của huyện. Mặc dù nhà khách của huyện chỉ cách nhà ở chưa đầy 100m, bí thư Y vẫn không dám về nhà nghỉ. Chỉ có bệnh viện là nơi bí thư Y cảm thấy yên tâm nhất . Bí thư Y nằm viện cũng rất bí mật, chỉ có lái xe, thư ký và vợ của bí thư Y biết mà thôi.
Nhớ lại thời bí thư Y mới được điều về Giám Lợi làm chủ tịch huyện thật là một con người quả quyết, dám xông vào trận tuyến. Năm 1996, vừa mới nhậm chức đã dám công khai tuyên bố trên truyền hình của huyện Giám Lợi: “Xin công khai hứa trước nhân dân huyện Giám Lợi, chỉ cần thuộc vấn đề huyện trưởng phải giải quyết, quyết không dám chối từ”.
Lúc đó, chủ tịch huyện Y được xem như là “Y thanh thiên”, được toàn thể nhân dân Giám Lợi yêu mến và ủng hộ. Tuyên bố như trên của chủ tịch huyện Y làm cho bí thư huyện ủy lúc đó hết sức bị động.
Mới qua hai năm, nhà của bí thư Y và trụ sở làm việc của bí thư Y đều sửa lại cửa thép chắc chắn hơn. Về đêm, bí thư Y ngủ ở chỗ nào cũng không biết được, đến thư ký của bí thư cũng không biết là bí thư ngủ ở chỗ nào.
Sau khi nằm viện vài ngày, bí thư Y cho mời đồng chí Đại Hạ, chủ tịch hội đồng nhân dân huyện, đồng chí Bành - chủ tịch ủy ban mặt trận huyện - đến nói rõ bệnh tình hiện nay rất nghiêm trọng, phải nghỉ việc một thời gian không biết bao lâu để điều trị. Yêu cầu hai vị lên thành phố lên tỉnh tìm lãnh đạo, đề nghị tìm bí thư mới về thay. Hai vị Phật bồ tát này y kế thi hành.
Ngày 30-8, Bí thư Thành ủy Kinh Châu vội vàng đến Giám Lợi, triệu tập bốn nhà lãnh đạo huyện. Đồng chí Lưu Khắc Nghị tuyên bố: đồng chí Đạo Châu (tên riêng của đồng chí bí thư Y) bệnh nặng, Thành ủy đồng ý cho đồng chí rời khỏi chức vụ để đi chữa bệnh dài ngày. Công tác của huyện do chủ tịch huyện Chu Chí Quang phụ trách mọi mặt. Đồng thời nhấn mạnh:
- Đồng chí Y mấy năm công tác ở Giám Lợi là có công lao, Thành ủy rất mãn ý.
- Lý Xương Bình viết thư gửi lên trung ương là chuyện bình thường nhưng Lý Xương Bình không phải là anh hùng.
- Nhiệm vụ chủ yếu của Giám Lợi trước mắt là giữ vững ổn định...
Giám Lợi đang mất ổn định! Tín hiệu đèn đỏ đã được bật lên và lãnh đạo cấp trên tìm thấy một nguyên nhân trước mặt...
Ngày 1-9 Lý Xương Bình nhận được lệnh ở nhà để tiếp chuyện một người.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(Trần Trọng Sâm dịch)
Tôi nói thật với thủ tướng (Kỳ 9): Từ chức
(07-08-2007)
Ngày 1-9-2000, ban tổ chức huyện ủy gửi thông tri cho tôi bảo tôi đợi ở nhà, trưởng ban tổ chức Thành ủy Kinh Châu sẽ gặp tôi nói chuyện. Buổi nói chuyện kéo dài từ 14g30 đến hơn 16g30 mới kết thúc.

Ủng hộ sự ổn định
Trước tiên, trưởng ban tổ chức thành ủy - đồng chí Thịnh truyền đạt những ý kiến của bí thư thành ủy Lưu Khắc Nghị cho tôi như sau:
Thứ nhất, Giám Lợi hiện nay mất ổn định, xã Bàn Cờ là trung tâm của sự mất ổn định. Lý Xương Bình là nòng cốt của sự mất ổn định đó. Việc tuần báo Phương Nam Cuối Tuần đăng tin tức và sự kiện Khuông Đạo Hồng phát không báo là do một mình Lý Xương Bình vạch kế hoạch, hi vọng từ nay về sau không để xảy ra những vấn đề tương tự, có nói gì thì nói trong Đảng.
Thứ hai, đồng chí Y vì sức khỏe, thành ủy đồng ý cho đồng chí rời khỏi chức vụ đi chữa bệnh (chưa quá 20 ngày sau, khi bí thư mới của huyện Giám Lợi đến nhậm chức thì đồng chí Y đã tuyên bố khỏi bệnh, vội trở về cương vị phó chủ tịch thành phố Kinh Châu). Giám Lợi ở vào thời kỳ rất đặc biệt, hi vọng Lý Xương Bình vì đại cục ủng hộ sự ổn định của Giám Lợi.
Thứ ba, nếu Lý Xương Bình cảm thấy công tác ở Giám Lợi không còn thích hợp nữa, tổ chức sẽ xem xét điều động đi khỏi Giám Lợi, tiếp tục bố trí công tác khác.
Nghe đồng chí Thịnh nói hết lời, tôi hơi bị kích động, cảm thấy nhiều điều oan khuất. Tôi định lập luận bác bỏ ba ý kiến trên của bí thư thành ủy Lưu Khắc Nghị. Nhưng tôi nghĩ khi họ đã muốn thêm tội cho tôi thì thiếu gì từ để nói, quân muốn thần chết thì thần không thể không dám chết. Bây giờ không phải là chế độ chuyên chế phong kiến, nhưng tôi có nỗ lực bao nhiêu cũng mất công vô ích.
Không có tòa án chính nghĩa và lương tri. Không có nơi để công khai lý luận! Đảng viên có quyền khiếu nại, lãnh đạo cấp trên vẫn có quyền không giải quyết khiếu tố của cấp dưới. Thật lạ đời!
Im lặng! Im lặng chính là phản kháng. Tôi im lặng một hồi lâu, biết mình không thể ở lâu hơn nữa ở huyện Giám Lợi. Có bố trí công tác tiếp vẫn là ở thành phố Kinh Châu. Sau này Kinh Châu có mất ổn định đổ lên đầu tôi. Chỉ còn một con đường là ra đi.
Tôi trịnh trọng tuyên bố với đồng chí Thịnh: “Tôi sẽ ra đi, yêu cầu bố trí người khác đến để tôi bàn giao công việc. Tôi ra đi là sự chọn lựa đẹp nhất”.

Nông dân Trung Quốc mới lên thành phố không có chỗ ở - Ảnh: lanzhoudushiwang
“Tôi là tiêu điểm của mâu thuẫn”
Cải cách đã giảm nhẹ được đóng góp cho nông dân, duy trì được lợi ích của tuyệt đại đa số nông dân, nhưng cũng xúc phạm và làm tổn hại đến lợi ích của một số ít người. Tôi là tiêu điểm của mâu thuẫn. Hơn nửa năm tiến hành cải cách, có đắc tội với một số cán bộ, không ít người vì chiếm dụng của công mà bị xét hỏi, giải thể cấp quản lý khu, một số cán bộ nhân viên hợp đồng bị mất việc. Tăng cường quản lý nên đặc quyền của một số người không còn nữa. Không thể như trước bừa bãi chi tiêu, tự do báo phiếu thanh toán các khoản. Trước đây có cán bộ cho vay nặng lãi ở thôn nay bị tính toán lại, có người gọi điện thoại uy hiếp tôi, bảo tôi phải thông minh hơn một tí, thôn nợ tiền của anh ta không được thiếu một xu. Nếu không hãy coi chừng đấy! Những uy hiếp này tôi không sợ, nhưng tôi nhìn thấy tình hình như thế này thì oán hận và ý kiến đối lập với tôi rất lớn. Họ cho rằng nếu tôi không viết thư lên lãnh đạo trung ương sẽ không xảy ra cải cách này.
Có một lần huyện mở hội nghị bí thư các đảng ủy xã, một bí thư đảng ủy xã nói: “Chính vì Lý Xương Bình viết thư đã làm huyện Giám Lợi ta mất hết thành tích”. Lúc đó tôi một lời cũng không nói. Trường con tôi học đang chuẩn bị xây nhà ở cho giáo viên, chỉ vì tôi mà sau đó huyện rút bớt chỉ tiêu không cho xây nữa. Có giáo viên nói với con tôi: “Chỉ vì cha cháu viết thư lên trung ương đã hại đến các thầy không có nhà ở”.
Tôi rời khỏi Giám Lợi, đối với bản thân tôi, đối với công tác huyện xã sẽ có điều tốt đẹp hơn nhiều. Tôi ra đi sẽ có một số cán bộ lãnh đạo cảm thấy an toàn hơn. Tôi ra đi có thể đem theo rất nhiều mâu thuẫn, Bí thư mới nhậm chức có thể nhẹ gánh ra trận, có lợi cho sự phát triển của Giám Lợi, của xã Bàn Cờ.
Tôi thật lòng không ngờ một bức thư mà có thể gây chấn động đến vậy. Thông qua sự kiện này, tôi hiểu thấm thía từ khi cải cách mở cửa đến nay, xã hội đã có tiến bộ vượt bậc. Một nhà văn ở tỉnh Thiểm Tây viết thư cho tôi nói: “Trong lịch sử Trung Quốc, vì nông dân nói thật chỉ có hai người, một là Lương Thấu Minh, hai là Bành Đức Hoài. Bạn có thể xem là người thứ ba. Nhưng bạn là người may mắn nhất trong ba người!”. Tôi cảm thấy được an ủi, tôi viết thư lên trên là thật lòng, phản ánh vấn đề tồn tại đương đại, không bị đả kích báo thù. Đây là tiến bộ của xã hội. Đây không chỉ là may mắn cho tôi mà là may mắn cho cả nhà nước, may mắn cho cả nông dân.
Trong mười mấy năm công tác ở nông thôn, từ công xã nhân dân đến công sở khu, từ công sở khu đến UBND xã, thị trấn, lúc nào tôi cũng tâm tâm niệm niệm lời giáo huấn của cha tôi: “Nghe lời Đảng, làm người con tốt của nhân dân”, kiên trì một cách rất gian nan quan niệm chính trị: “Làm quan mà không vì dân làm chủ thì thà về nhà đi bán khoai lang”. Tôi muốn làm một người quan tốt, tôi đã hết sức nỗ lực nhưng tôi đã thất bại.
Từ quan
9g tối 16-9, tôi đưa báo cáo từ chức đến tay phó bí thư huyện ủy Hồng Lục:
Kính gửi huyện ủy đồng chuyển thành ủy:
Căn cứ vào tinh thần cải cách cơ cấu của trung ương, tôi xin được từ chức bí thư đảng ủy xã Bàn Cờ để xuống biển tìm cơm ăn. Xin được phê chuẩn.
Người xin từ chức: Lý Xương Bình
16-9-2000
Ngày 17-9, tôi đưa vợ tôi về quê ở thị xã Hồ Hồng thăm cha mẹ tôi tuổi đã già, sức đã yếu. Tôi nói tôi sắp sửa đi xa, mẹ tôi đau lòng khóc lên. Tôi nhẹ nhàng an ủi cha mẹ, nét mặt tôi nở đầy nụ cười. Cha tôi không nói một lời nào. Ông nhờ người bác viết cho tôi một bức trướng, hơn nữa dặn dò tôi thường xuyên mang theo bên người để xem.
Bức trướng này tuy không có bao nhiêu giá trị vật chất, nhưng đủ để làm bảo vật gia truyền đời đời kiếp kiếp. Mẹ tôi tặng tôi một chiếc áo đỏ do tập thể hơn 50 người thân vừa kịp thêu xong. Mẹ tôi nói mặc chiếc áo này có thể trừ tà, có thể giữ được bình yên cho mình. Hai tay tôi đỡ lấy lễ vật quí giá này, chiếc áo có thêu hình ảnh con thỏ cát tường (tôi tuổi thỏ), cúi mình cảm tạ tất cả anh em bà con cô bác có mặt tiễn tôi hôm nay. Bà con đều nước mắt lưng tròng tiễn tôi đến tận xe, vây chặt lấy xe không chịu rời.
Tôi lên xe, nước mắt cứ chảy giàn giụa, rất nhiều lần không cầm nổi tay lái cho xe chuyển bánh.
Tối 17-9, tôi đến huyện lỵ Giám Lợi.
Sáng hôm sau, phó chủ tịch mặt trận TP Kinh Châu, bí thư huyện ủy Giám Lợi Tần Minh Phúc đại diện thành ủy và huyện ủy tìm tôi nói chuyện, truyền đạt ý kiến của thành ủy và huyện ủy: “Việc anh ra đi là tự anh. Nếu anh muốn tiếp tục công tác ở xã Bàn Cờ, tổ chức sẽ rất hoan nghênh”. Hơn nữa còn nhấn mạnh nhiều lần: “Hi vọng anh đừng thông qua giới truyền thông báo chí phát biểu những ngôn luận không có lợi cho thành ủy, huyện ủy”.
Hai vị lãnh đạo này là hai vị lãnh đạo cũ mà tôi hết sức tôn trọng. Họ cũng quan tâm sâu sắc đến cuộc “nam hành” của tôi. Tôi cũng yêu cầu họ yên tâm, tôi không bao giờ làm điều gì sai đối với nhân dân Giám Lợi.
Trưa 18-9, tôi cùng với vợ về đến xã Bàn Cờ. Tôi bảo đồng chí văn phòng mời các đồng chí lãnh đạo trong đảng ủy, trong UBND xã, trong hội đồng nhân dân và mặt trận đến để họp bàn một số vấn đề cần thiết, đồng thời có dịp cho tôi gửi lời chào từ biệt, hi vọng thông qua các đồng chí lãnh đạo xã gửi đến toàn thể nhân dân xã Bàn Cờ một lời chào tâm nguyện và một lời xin lỗi chân tình.
Tất cả đều xuống lầu tiễn tôi lên xe. Ai cũng không nói nên lời. Tất cả đều im lặng, cái hay chính là ở chỗ không nói lời nào.
Các cán bộ khác vẫn như thường lệ, ngồi ở hội trường lớn, hình như vẫn đang chờ đợi tôi bố trí công tác hằng tuần.
Nguyễn Nhân Đức nắm chặt tay tôi, nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào nói: “Đồng chí là niềm kiêu hãnh của Trường trung học Bàn Cờ, nhân dân Bàn Cờ vĩnh viễn nhớ đến đồng chí”.
Bác Ngô, lái xe, đổ thêm xăng. Xe bắt đầu nổ máy chầm chậm ra khỏi trụ sở ủy ban.
Một âm thanh đồng loạt vang lên:
- Tạm biệt! Tạm biệt!
- Tạm biệt Bàn Cờ!
20 năm trước, tôi từ đây bước vào ngưỡng cửa nông nghiệp, cũng từ đây từ nông dân biến thành phi nông dân.
20 năm sau, hôm nay, cũng từ đây từ cán bộ biến thành nông dân. Tôi thề rằng phải làm cho càng nhiều nông dân không còn phải làm nông dân nữa! Tôi quay mình, tiếng vang tạm biệt làm cho cõi lòng tôi thêm nhức nhối. Tôi lau đi giọt nước mắt cuối cùng.
Tạm biệt quê hương, Lý Xương Bình quyết định gửi con gái 11 tuổi về sống với vợ chồng người anh trai ở TP Kinh Châu.
Ôm con vào lòng, nước mắt người cha rơi từng giọt trên trán con... Nhưng, hành phương Nam tìm việc thì họa phúc khôn lường...
LÝ XƯƠNG BÌNH
(TRẦN TRỌNG SÂM dịch)
Tôi nói thật với thủ tướng (kỳ 10): Nửa đời còn lại...
(20-08-2007)
Lúc mới đầu, sau khi rời Giám Lợi tôi đến Thâm Quyến làm việc trong một xí nghiệp tư nhân người Đài Loan.

Tôi giúp ông Ngô - chủ Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Đại Sơn, Đài Loan, quản lý một nông trường. Còn vợ tôi làm việc ở xưởng tơ tằm cũng của ông Ngô này.
Hai tháng sau, một hôm tôi nhận được điện thoại của ông Đinh Thẩm Tài - trợ lý tổng tài Tập đoàn Lam Điền Trung Quốc - nói tổng tài tập đoàn muốn gặp tôi, yêu cầu tôi đi Bắc Kinh một chuyến.
Tổng giám đốc yểu mệnh
Nguyên đán năm 2001, tôi bay đến văn phòng của Tập đoàn Lam Điền. Tổng tài Tập đoàn Lam Điền, ông Cù Đào Ngọc, là người thẳng thắn, không cần nói lời xã giao, gặp tôi đã đặt ngay vấn đề muốn tôi nhận cho chức vụ tổng giám đốc Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Chu Hải.
Mặc dù ông Ngô hết sức giữ tôi lại, đãi ngộ cho tôi cũng rất cao, nhưng dù thế nào về hình thái ý thức cũng có khoảng cách rất lớn. Tôi cũng đặc biệt có phản cảm với các thương nhân Đài Loan, Hong Kong, Macau thường hay nói chuyện về tôi vì viết thư cho thủ tướng mà bị buộc phải từ chức, hơn nữa tôi vẫn là một đảng viên cộng sản nên tôi không hề do dự gì đã nhận lời Cù tổng tài.
Sau khi nhậm chức được ba ngày, tôi nhận được một quyết định bổ nhiệm của tổng tài Công ty Lam Điền: “Mời đồng chí Lý Thịnh An giữ chức tổng giám đốc Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Chu Hải, thời gian là hai năm”. Cù tổng tài sau khi được sự nhất trí của tôi, đã đổi tên tôi thành Lý Thịnh An. Tổng tài mong tôi quên đi quá khứ, làm lại từ đầu.
Tháng 2-2001, có một việc bất ngờ ngoài ý muốn xảy ra. Huyện Giám Lợi có mấy vị luyện tập pháp luân công đến quảng trường Thiên An Môn luyện công. Trong đó có một người là vợ của Trần Bình Thu, bạn học của tôi thời cấp III.
Một số cán bộ xã của huyện Giám Lợi bị xử lý. Trung ương, tỉnh, thành phố các cấp đều ra chỉ thị có thời hạn tìm cho được những phần tử ngoan cố theo phái pháp luân công. Trong quá trình truy xét, lãnh đạo địa phương thành phố Kinh Châu hoài nghi vợ chồng Trần Bình Thu có đến Công ty nông nghiệp Đài Sơn, chủ là người Đài Loan. Lúc đó đã có rất nhiều lãnh đạo, bạn bè, đồng sự gọi điện thoại cho tôi hỏi kết cục của vợ chồng Trần Bình Thu.
Tôi nói thật với họ vợ chồng Trần Bình Thu không hề đến chỗ tôi, nhưng Công an Giám Lợi nhất quyết là có. Họ không tin, cử nhiều người lục soát ở nông trường để bắt cho được quả tang vợ chồng Trần Bình Thu.
Ngày 27-2, hai vị Công an huyện Giám Lợi cuối cùng cũng tìm được nơi tôi làm việc, bất ngờ xuất hiện trước bàn làm việc của tôi. Không tìm được vợ chồng Trần Bình Thu, nhưng họ lại bất ngờ phát hiện bí mật: Lý Xương Bình làm việc ở Công ty Lam Điền đã đổi tên thành Lý Thịnh An. Công nhân viên của công ty từ đó mới biết tên thật của tôi là Lý Xương Bình.
Tin tức rất nhanh được truyền đến những nhà lãnh đạo Giám Lợi, Kinh Châu. Ngày 12-3, đột nhiên nhận được điện thoại của Cù tổng tài, tôi vội đi Bắc Kinh.
Ngày 15-3 chính là ngày quốc hội bế mạc hội nghị, ngày Thủ tướng Chu Dung Cơ trả lời nhà báo, tôi đến Bắc Kinh. Cù tổng tài hết sức xin lỗi tôi, nói cho tôi biết lãnh đạo Kinh Châu sau khi biết tôi làm việc ở Công ty Lam Điền đã tỏ ra tức tối, chẳng vui tí nào. Cù tổng tài nói công ty mẹ của Lam Điền đóng ở Kinh Châu, không thể tách rời sự ủng hộ của lãnh đạo Kinh Châu, hi vọng tôi có thể hiểu được nỗi khổ của ông.
Ngày 20-3, tôi rời khỏi Công ty hữu hạn phát triển nông nghiệp Chu Hải, làm tổng giám đốc mới được 45 ngày.
Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc
Tôi được bình chọn là một trong 10 nhân vật nổi tiếng năm 2000, đó là điều tôi không bao giờ nghĩ tới. Nhưng khi tôi đọc những bức thư của độc giả cả nước gửi cho tôi và những bình luận trên mạng, tôi ý thức một cách sâu sắc là: kết quả này báo hiệu nhân dân Trung Quốc rất tôn trọng sự thật, rất khát khao sự thật, đồng thời thấy cái thiếu nhất vẫn là ánh hào quang chiếu rọi của dân chủ và pháp chế.
Nhân dân Trung Quốc kêu gọi việc thật nói thật, đặc biệt mong muốn có môi trường và thổ nhưỡng cho những việc thật nói thật tồn tại muôn đời.
Khi tôi một lần nữa thất nghiệp, ông Ngô, chủ Công ty Đại Sơn, Đài Loan, vẫn nhiệt tình mời tôi hợp tác. Tôi rất cảm tạ thành ý của ông Ngô. Nhưng tôi chưa vội đi tìm việc mà đến Trường đại học kinh tài Trung Nam, Trường đại học Nông nghiệp Hoa Trung Vũ Hán - trường mẹ của tôi, để xin ý kiến thầy giáo định hướng cho tôi con đường nửa đời về sau.
Các thầy giáo của tôi là Hà Tín Sinh, Lưu Liệt Long bố trí cho tôi ở một mình một phòng trên nhà nghỉ núi Sư Tử, bên cạnh hồ Nam Hồ để tịnh tâm đã, sau đó mới nghĩ đến làm gì để chọn lựa.
Tôi một mình ngồi trên núi Sư Tử, theo phương pháp “giữ ý” của khí công, loại trừ những tư tâm tạp niệm trong đầu óc. Khi tôi ngừng lại, liền tự hỏi mình nhiều lần: “Sứ mệnh của anh là gì? Nguyện vọng của anh lớn nhất bây giờ là gì?”.
Kỳ thực tôi không quên được cuộc đời đã trải qua của mình, không quên được những hình ảnh gian nan vất vả của cha mẹ tôi.
Mười mấy năm về trước, các thầy giáo và đồng học của tôi đã ngồi tại nơi đây, trên núi Sư Tử thảo luận một vấn đề khá hóc búa: “Sứ mệnh của Viện Nông học là gì? Sứ mệnh sinh viên Viện Nông học là gì?”.
Có đồng học nói: “Sứ mệnh của chúng ta là làm khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp hưng thịnh”. Có đồng học nói: “Sứ mệnh của chúng ta là thực hiện nông nghiệp hiện đại hóa...”.
Quan niệm của tôi lúc đó bị đả kích. Cho đến hôm nay nghĩ lại, tôi vẫn kiên trì như vậy. Nhiệm vụ cơ bản của Viện nông học là rút ngắn ba điều cách biệt lớn, ba khoảng cách lớn: khoảng cách giữa nông nghiệp và công nghiệp, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Sứ mệnh của sinh viên Viện nông học là nỗ lực triệt để vì sự nghiệp giải phóng nông dân. Cho đến hôm nay, nhớ lại tình cảnh biện luận lúc ấy, tôi vẫn giữ vững được tinh thần.
Đối diện với mặt nước Nam Hồ phẳng lặng, tôi dùng toàn bộ sức lực của mình phóng hết âm thanh hô to: “Lý Xương Bình không thể chết! Lý Xương Bình không thể chết!”. Rồi tôi bừng tỉnh, lòng nhẹ lâng lâng, bất chợt ngâm lên bài thơ “Chúng ta không bao giờ bỏ cuộc” của bạn tôi.
Tôi hiểu rõ sứ mệnh của mình và lại trở về Quảng Châu, tìm gặp rất nhiều bạn bè đã từng theo dõi vận mệnh của tôi. Những bạn bè này, đa số là gặp mặt lần đầu nhưng thân thiết như anh em ruột thịt, mới gặp mà đã thân nhau như bạn cố tri. Họ đều có chủ trương trên cơ sở tổng kết 18 năm công tác nông thôn của tôi, tôi sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Mọi người cổ vũ động viên tôi đem công việc này làm cho tốt, phát huy triệt để ưu thế của mình.
Tháng 4-2001, tôi bắt đầu sự nghiệp nửa đời về sau của mình, vì nông dân, nông nghiệp, nông thôn mà làm việc.
Theo sự đặt hàng của báo Gió Nam, lại một lần nữa vì nông dân mà phát biểu, tôi viết cho báo bài “Lại nói về đóng góp của nông dân”.
Trong những ngày ở Bắc Kinh, tôi được may mắn tiếp xúc với nhiều chuyên gia, học giả, sinh viên có cảm tình nồng hậu với nông dân. Nhờ đó về sau tôi nhận được nhiều bài giảng có giá trị, có ý nghĩa lịch sử của các chuyên gia, học giả gửi tặng, nhất là bài Cho nông dân sự đãi ngộ quốc dân như nhau của bậc tiền bối Đỗ Nhuận Sinh đăng trên tạp chí Nông Thôn nhân kỷ niệm 45 năm ngày ra mắt của tạp chí này. Cụ Đỗ Nhuận Sinh đã có hơn 90 bài phát biểu quan trọng, nhưng đây là bài tổng kết vấn đề tam nông mà cụ đã nghiên cứu suốt cả đời người.
Đọc bài của cụ Đỗ, tôi cảm thụ được rất nhiều điều, càng làm cho tôi thêm kiên định quyết tâm, thêm dũng khí để vì nông dân phục vụ.
Sau đó theo lời mời của nhiều trường cao đẳng, đại học cả nước, các đề tài tôi nói chuyện đều xoay quanh vấn đề nông dân như: Vấn đề nông dân là bản chất của vấn đề Trung Quốc, Giải phóng nông dân là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề tam nông, Sự mất cân bằng của Trung Quốc... nhằm giúp học sinh sinh viên hiểu được tầm quan trọng của sự nghiệp giải phóng nông dân.
Tôi trước sau đã lần lượt đến đại học Vũ Hán, đại học Khoa kỹ Hoa Trung, đại học Trung Sơn, đại học Nhân dân Trung Quốc, đại học Sư phạm Bắc Kinh, đại học Nông nghiệp Trung Quốc, đại học Nam Khai và mấy chục trường cao đẳng khác diễn giảng. Tôi muốn có nhiều người hơn nữa giống như tôi trở thành con em thật sự của nông dân.
Trong những ngày diễn giảng ở các trường đại học, lần này đến lần khác tôi cảm thấy mình không cô độc. Hàng nghìn hàng vạn thanh niên tri thức đang quan tâm lưu ý đến vận mệnh của mấy trăm triệu nông dân. Rất nhiều trường đại học có con em nông dân. Những tổ chức nghiên cứu vấn đề tam nông được thành lập. Tháng hè hoặc nghỉ đông họ đều đến nông thôn điều tra nghiên cứu. Từ những việc làm cụ thể của sinh viên, tôi nhìn thấy tiền đồ hi vọng của nông dân Trung Quốc.
Có lúc tôi có cảm giác có lẽ vận mệnh của nông dân Trung Quốc gắn liền với vận mệnh của lớp thanh niên tri thức thời đại này...
LÝ XƯƠNG BÌNH (Trần Trọng Sâm dịch)
Tôi nói thật với thủ tướng (Kỳ cuối): Số phận những con người
(21-06-2007)
Câu chuyện về một cuốn kỳ thư Quế Hiểu Kỳ là phó ban trị sự thường trực kiêm chủ biên tờ báo Luận Về Phát Triển Nông Thôn, do Ban nông nghiệp Tỉnh ủy Giang Tây chịu trách nhiệm xuất bản.

Quế Hiểu Kỳ được giao nhiệm vụ biên tập quyển sách Đường lối phương châm chính sách giảm nhẹ đóng góp cho nông dân. Toàn bộ quyển sách thu thập đầy đủ 32 văn kiện chính sách pháp qui của trung ương và các bộ hữu quan thuộc Quốc vụ viện về giảm nhẹ đóng góp cho nông dân; 15 văn kiện, chính sách, pháp qui của tỉnh Hồ Nam, tỉnh Giang Tây và một số tỉnh khác về quán triệt chính sách giảm nhẹ đóng góp cho nông dân, về dân thôn tự trị, về quản lý ruộng đất, về di dân xây dựng thị trấn...
Quyển sách rất được nhân dân hoan nghênh, nhưng mới phát hành bán được 13 ngày liền có thông tri đình chỉ. Hơn một vạn cuốn đã phát hành cũng có lệnh bất cứ giá nào phải thu về. Địa phương còn huy động cơ quan công an đi thu. Có người còn chỉ thị quyển sách này bán đến đâu thì phải quét sạch ảnh hưởng xấu đến đó.
Theo họ, in ra quyển sách này, nông dân có căn cứ chính sách, nông dân có thể cầm quyển sách này lên lãnh đạo xã lãnh đạo huyện gây phiền phức. Cán bộ cơ sở có người cáo lên tỉnh nói: Quế Hiểu Kỳ biên tập quyển sách này đã phá hoại sự ổn định của địa phương. Lãnh đạo tỉnh nghe thấy vậy không vui lắm, trong cơn giận dữ đã cách chức chủ biên và phó ban trị sự thường trực tòa soạn của Quế Hiểu Kỳ.

Cuốn sách của Lý Xương Bình đã được Công ty Tiền Phong và NXB Hội Nhà Văn dịch và phát hành ở VN, quí 2-2006, với tên gọi Số phận một con người.
Theo tin từ Công ty Tiền Phong, tháng 3-2007 sách sẽ được tái bản với tựa đề theo đúng nguyên bản tiếng Hoa: Tôi nói thật với thủ tướng.
Quế Hiểu Kỳ nói: “Tôi nghĩ thế nào cũng không thể thông được. Là một đảng viên cộng sản, là người phụ trách một tạp chí về cải cách nông thôn do Ban nông nghiệp tỉnh ủy chịu trách nhiệm xuất bản, sưu tầm chính sách nông thôn của đảng để nói cho nông dân biết. Đây là chức trách của tôi nên làm. Như vậy có điều gì sai?”.
Một số lãnh đạo xã huyện không cho như thế là phải, quen thói cho rằng: “Nếu không cho cán bộ xã huyện nắm chặt thắt lưng của nông dân thì nông dân dễ tạo phản, nông dân tạo phản là thành đại sự, thà không cho nông dân biết còn hơn là cho biết”.
Quế Hiểu Kỳ không phục, anh quyết làm cho ra nhẽ, nhất định đưa quyển sách này đến tận tay nông dân.
Chưa đến hai ngày, báo Phương Nam Cuối Tuần (ngày 12-10) với đề mục Một kỳ ngộ của một kỳ thư, đã đưa tin quá trình cuốn sách được in ra, được phát hành, sau đó bị đình chỉ, bị thu hồi và Quế Hiểu Kỳ bị cách chức. Không lâu sau chương trình Có lời cứ nói của truyền hình tỉnh Hồ Nam lại mời Quế Hiểu Kỳ làm khách quí, nói rõ với khán giả cả nước về “kỳ ngộ” của “kỳ thư”.
Chương trình Nửa giờ làm chuyện kinh tế của Đài truyền hình trung ương phát liên tục một tuần về “kỳ ngộ” của “kỳ thư”, gây nên một sự hưởng ứng, phản ứng một cách mạnh mẽ. Tiết mục kết thúc, người chủ trì còn đứng ra nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của sự kiện này, sẽ tiếp tục phát đến tận cùng tung tích”.
... Có một hôm, tôi đột nhiên nhận điện thoại của Quế Hiểu Kỳ, nói anh ta hiện nay có nhà mà rất khó về. Ngày nào cũng có người bên công an, viện kiểm sát đến gây phiền phức, không thể không đi tránh một thời gian.
Điều chẳng may gặp phải ở Quế Hiểu Kỳ, lại một lần nữa kiểm nghiệm lời nói của Thân Diệu Trung, một chuyên gia về vấn đề nông dân, khi viết thư cho tôi đã có một câu dự đoán: “Lương Thấu Minh vì nông dân mà nói đã bị trả giá, Bành Đức Hoài vì nông dân mà nói cũng bị trả giá và cho đến hôm nay ai vì nông dân mà nói cũng như vậy, đều phải trả giá”.
Không có lẽ hôm nay vì nông dân mà nói cũng bị trả giá ư!
Một trả giá đáng mừng
Sau khi bức thư của tôi gửi Thủ tướng Chu Dung Cơ được nhiều vị lãnh đạo nhà nước coi trọng, thư và báo cáo điều tra của đồng chí Hạ Quân Vĩ và Phan Văn Bác được truyền đọc rộng rãi trong tất cả các bộ phận ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Bộ Dân chính, cũng như ở Ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Mặt trận chính trị hiệp thương toàn quốc, trở thành tài liệu tham khảo quan trọng để các bộ khởi thảo văn kiện về vấn đề “tam nông”. Tôi cũng nhiều lần được lãnh đạo các bộ gọi điện thoại hoặc gửi thư trao đổi vấn đề.
Từ tháng 9-2000, trung ương đã có quyết định, triển khai giáo dục “ba đại biểu’’, nhấn mạnh lợi ích nhân dân cao hơn tất cả, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, nhấn mạnh cán bộ các cấp thâm nhập cùng quần chúng hòa thành một khối, đồng cam cộng khổ.
Tháng 3-2001, trong hai cuộc họp của Quốc hội và Ủy ban Mặt trận toàn quốc, vấn đề tam nông đã trở thành vấn đề được chú ý nhiều nhất. Thủ tướng Chu Dung Cơ trong báo cáo đã chỉ rõ: “Trong thời gian kế hoạch năm năm lần thứ 10, phải đem chính sách cơ bản ở nông thôn, tăng cường địa vị cơ sở nông nghiệp và tăng thêm thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ trọng yếu của công tác kinh tế phải được quán triệt trong toàn Đảng”.
Sau đó, Thủ tướng Chu Dung Cơ trong một cuộc họp tổ ở quốc hội đã đặc biệt tỏ rõ: “Có người hỏi tôi hiện nay cả ngày suy nghĩ lo lắng vấn đề gì nhiều nhất. Tôi trả lời họ tôi lo lắng bận tâm nhất là tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp. Vấn đề rất nhiều, nhưng lớn nhất vẫn là vấn đề này”.
Trong thời kỳ mấu chốt của phát triển lịch sử, tôi với thân phận và địa vị rất thấp, chỉ là một cán bộ xã, đối với vấn đề trọng đại của đất nước, vấn đề quốc kế dân sinh, đã nói rõ quan điểm của mình, tôi cảm thấy ít nhất cũng đã làm tròn trách nhiệm mà người đảng viên phải tận trách nhiệm. Tôi đã làm được một việc có ý nghĩa đối với vận mệnh của tổ quốc và quần chúng nhân dân. Một đời, con người có thể làm được một việc có ý nghĩa dù có phải trả giá cũng là rất đáng. Tôi cảm thấy sung sướng vô cùng.
Cũng nhờ ở thân phận của một bí thư đảng ủy xã, tôi mới viết được một bức thư như vậy, mới dẫn đến sự coi trọng và có tác dụng như vậy. Và cũng vì vậy mà phải mất chức bí thư đảng ủy xã cũng là chuyện thường tình, chuyện đương nhiên!
Nói thật lòng chẳng khác gì xuống địa ngục. Nếu có một ngày nào đó được gặp thủ tướng, tôi nhất định nói với thủ tướng: “Mọi người ai cũng muốn nói lời nói thật với thủ tướng, nhưng nói lời nói thật, thật đắng cay, thật đau lòng’’.
Nói thật lòng là quyền lợi cơ bản của con người. Lúc nào người Trung Quốc mới có tự do nói thật. Lúc đó hạnh phúc biết bao nhiêu!
Oan hồn của bốn nông dân
Khi “Kinh nghiệm của Giám Lợi” được tỉnh khẳng định thì tôi đã đi rồi. Bí thư huyện ủy Y cũng rất nhanh chân trở lại cương vị phó chủ tịch thành phố Kinh Châu. Một trận gió mạnh đã qua rồi. Cấp hành chính khu đã được huyện giải thể, lấy danh nghĩa khu phải có trách nhiệm giải quyết nợ nần cho chủ nợ, một lần nữa lại lên ngôi, ngồi ở công sở khu, bắt đầu thi hành các chính sách cưỡng chế để thu hết các khoản thuế phí tồn đọng các năm trước cũng như của năm 1999, lấy tiền trả cho chủ nợ.
Những khoản thu hợp lý cũng phải nộp, những khoản thu bất hợp lý cũng phải nộp. Những nông dân không chịu nộp hoặc không nộp nổi đều bị cưỡng chế vô điều kiện, bắt đến học tập cải tạo ở một lớp học tập.
Ở một số địa phương còn xuất hiện nhiều khẩu hiệu: “Kiên quyết đả kích những phần tử phá hoại chống nộp thuế nộp phí”. Không nộp thì: “Thấy trói không mở, nhảy xuống sông không vớt, uống thuốc độc không giật bình, có tố cáo không xét”.
Từ tháng 10-2000 đến tháng 1-2001, chỉ trong ba tháng huyện Giám Lợi đã có bốn cái chết (tự tử vì nợ thuế) của bốn nông dân, trong đó một người chết ở cơ quan xã, hai người chết ở cơ quan khu.
Đằng sau bốn án mạng, một nhà báo đã phân tích (mấy nguyên nhân):
1. Tác phong xấu của cán bộ là nguyên nhân trực tiếp.
Ở Giám Lợi, bắt nông dân quì là chuyện thường tình. Có một vị cán bộ huyện Giám Lợi đã từng nói một câu tuyệt hay: “Có rất nhiều nông dân đến cáo tội cán bộ, nói cán bộ bắt họ quì. Tôi đã từng nói với họ: Cha mẹ các anh bắt các anh quì, tại sao lại không lên huyện tố cáo? Bà phù thủy bắt các anh quì, các anh liền ngoan ngoãn quì ngay. Tại sao Đảng Cộng sản bảo các anh quì, các anh lại có ý kiến?’’. Lời nói này của vị lãnh đạo huyện Giám Lợi được truyền khắp huyện Giám Lợi.
Ở Giám Lợi, nông dân phải quì mỗi năm cũng đến hàng vạn. Nông dân thuộc về kẻ yếu. Đối mặt với việc quản chế thô bạo của cán bộ, thường thường chọn cái liều chết để chống trả, hoặc yếu thế tiêu cực thì chọn con đường tự tử.
2. Bí thư huyện ủy Y thăng quan và Lý Xương Bình phải ra đi là nguyên nhân gián tiếp.
Điều này đưa lại cho cán bộ và quần chúng nhân dân huyện Giám Lợi một tín hiệu sai lầm: trung ương, tỉnh quan tâm nông dân là giả. Cấp khu đã được xóa nay lại bắt đầu phục hồi, “nhà đen’’ (nhà giam, hầu như xã nào cũng có) bị cấm chỉ nay lại là việc đương nhiên, điều này khiến nông dân càng đau lòng và tuyệt vọng.
3. Nguy cơ nợ nần là nguyên nhân kinh tế.
Nợ nần ở cấp thôn, khu, xã huyện Giám Lợi đến 1 tỉ đồng. Trong đó cấp thôn ước 550 triệu, khu xã 300 triệu, cấp huyện 150 triệu. Hơn nữa đa số chủ nợ là cán bộ các cấp - còn ra là kẻ cho vay nặng lãi. Mỗi lần đến mùa thu thuế phí, cán bộ xã thôn đều lấy tiền thu được trừ vào số lãi của mình. Thu nhập tài chính của xã tự nhiên trở thành con số không.
4. Nền chính trị đen tối là nguyên nhân chính trị.
Một vài cán bộ và một nhóm lưu manh đầu gấu cấu kết với nhau hoành hành ngang dọc ở nông thôn, quản thúc nông dân, áp bức nông dân, chỉ cần đừng xảy ra án mạng là cáo trạng đều không có tác dụng. Nếu có xảy ra án mạng, nếu có truy cứu trách nhiệm đến bên trên, thì lãnh đạo huyện thường tỏ ra rất bực bội. Nhưng sau đó lại im lặng, bí mật dùng tiền để lấp liếm. Hình tượng của chính phủ và đảng ở cấp địa phương từ huyện trở xuống đã bị tổn thất nghiêm trọng.
5. Nông dân bần cùng hóa và phi nhân cách hóa là nguyên nhân xã hội.
Những năm gần đây, tác phong cán bộ thô bạo, hễ một tí là nạt, là bắt, là đánh, là quì, là nhốt là giam đối với nông dân nghèo không đủ tiền nộp thuế phí. Nông dân nghèo đã mất đi sự tôn nghiêm tối thiểu của con người. Tính tự trọng của nông dân nghèo bị cách đối xử phi nhân tính của cán bộ xấu tấn công mãnh liệt. Thường thường yếu bóng vía sẽ sinh ra yếm thế tự ti, chọn con đường chết, nếu táo bạo thì liều chết một phen với cán bộ.
LÝ XƯƠNG BÌNH
(TRẦN TRỌNG SÂM dịch)