Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Tìm hiểu thuế TNCN - Phần 1

nguồn tin: Webketoan

I. KHÁI NIỆM THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

1. Khái niệm.

Thuế thu nhập cá nhân đã được áp dụng từ lâu ở các nước phát triển, đối tượng nộp thuế này là mọi dân cư trong nước và người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở nước sở tại không phân biệt nghề nghiệp và địa vị xã hội. Ðồng thời, tùy theo tính chất của các khoản thu nhập cá nhân, người ta chia thu nhập làm hai loại: thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên để tính thuế cho phù hợp. Lần đầu tiên ở Anh vào năm 1799 thuế thu nhập cá nhân được đưa vào thực hiện như một hình thức thu tạm thời nhằm mục đích trang trải cho cuộc chiến tranh chống Pháp và được chính thức áp dụng vào năm 1942. Sau đó nhiều nước tư bản phát triển khác cũng áp dụng thuế này như: ở Nhật năm 1887, Ðức 1899, Mỹ 1903, pháp 1916 và Liên Xô năm 1922.

Hiện nay trên thế giới có 02 phương pháp đánh thuế: (1) Có nước tính thuế vào từng khoản thu nhập thực tế của mỗi cá nhân, (2) có nước tính thuế trên tổng thu nhập của cả hộ gia đình:

· Cách thứ nhất được áp dụng phổ biến ở Anh, Nhật, Thụy Ðiển, các nước Châu Phi, Liên Xô, Hunggari, Tiệp khắc...Ưu điểm của cách này là đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Nhưng có nhược điểm là chưa đảm bảo yêu cầu phân phối lại thu nhập quốc dân qua thuế sao cho có hiệu qủa và đáp ứng được sự công bằng xã hội và nhất là đối với những cá nhân có nhiều khẩu ăn theo.

· Cách thứ hai được áp dụng ở Pháp, Hà Lan...Các chuyên gia cho rằng cách này công bằng hơn về mặt đạo đức xã hội nhưng không kịp thời vì mỗi gia đình đều có ít nhất hai người trở lên. Ðã có nhiều người thì sẽ có nhiều khoản thu nhập khác nhau, do đó phải mở sổ sách kế toán, theo dõi từng nguồn thu nhập và phải đối chiếu với nơi phát sinh thu nhập, vì có nhiều phức tạp nên rất ít quốc gia áp dụng cách thứ hai.

Như vậy:

- Thuế thu nhập cá nhân là lại thuế trực thu đánh vào thu nhập chính đáng của từng cá nhân. Do là thuế trực thu nên nó phản ánh sự đồng nhất giữa đối tượng nộp thuế theo luật và đối tượng chịu thuế theo ý nghĩa kinh tế. Người chịu thuế thu nhập cá nhân không có khả năng chuyển giao gánh nặng thuế khoá sang cho các đối tượng khác tại thời điểm đánh thuế.

- Thuế TNCN có diện đánh thuế rất rộng, thể hiện trên hai khía cạnh: một là đối tượng đánh thuế TNCN là toàn bộ các khoản thu nhập của cá nhân thuộc diện đánh thuế không phân biệt thu nhập đó có nguồn gốc phát sinh trong nước hay ở nước ngoài; hai là đối tượng phải kê khai nộp thuế TNCN là toàn bộ những người có thu nhập, bao gồm tất cả công dân của nước sở tại và những người nước ngoài cư trú thường xuyên hay không thường xuyên nhưng có số ngày có mặt, làm việc, có thu nhập theo mức độ quy định của pháp luật thuế TNCN.

- Thuế TNCN là một loại thuế thu nhập nhưng khác với thuế Thu nhập doanh nghiệp ở chỗ nó có tính tất yếu gắn với chính sách xã hội của mỗi quốc gia cho dù quốc gia đó có mục tiêu hoàn thiện chính sách thuế, xây dựng một chính sách thuế có tính trung lập không nhằm nhiều mục tiêu khác nhau. Thể hiện, nó luôn quy định loại trừ một số khoản thu nhập trước khi tính thuế TNCN như thu nhập mang tính trợ cấp xã hội, khoản chi cần thiết cho cuộc sống cá nhân, gia đình người nộp thuế, khoản chi mang tính nhân đạo xã hội…

- Thuế TNCN có góc độ kỹ thuật tính thuế khá phức tạp bởi diện đánh thuế rộng, liên quan chặt chẽ với hoành cảnh cá nhân, chính sách xã hội cụ thể, có áp dụng phương pháp luỹ tiến. Có như vậy mới đảm bảo công bằng xã hội, người có thu nhập cao hơn thì trước và sau khi nộp thuế họ vẫn còn một khoản thu nhập cao hơn so với người có thu nhập thấp khi chưa nộp thuế.

Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, chính quyền Sài Gòn đã áp dụng thuế thu nhập cá nhân nhưng với tên gọi là thuế lợi tức lương bổng năm 1962 và sau đó được cải cách vào năm 1972.

Ngày 27/12/1990, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (Income Tax on high - Income earner) và đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Ðể cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, từ đó đến nay đã có 06 lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao: lần thứ nhất vào ngày 10/3/1992, lần thứ hai vào ngày 1/6/1994, lần thứ ba vào ngày 6/2/1997, lần thứ 4 vào ngày 30/6/1999 và lần thứ năm vào ngày 13/6/2001( có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2001) và lần thứ 6 là pháp lệnh sửa đổi, bổ sung số 14/2004/PL-UBTVQH11 ban hàng năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2004 đến nay). Hiện nay việc thực hiện các quy định của pháp lệnh số 14 này được hướng dẫn bởi thông tư 81/2004/TT-BTC và thông tư số 12/2005/TT-BTC.

Để nâng cao hơn nữa tính chất quan trọng và phải có các biện pháp chế tài đủ mạnh để việc thực hiện thu thuế TNCN được đi vào ổn định, có hiệu quả, công bằng, tại kỳ họp Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật số 04/2007/QH12 - Luật thuế thu nhập cá nhân. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành chính thức từ ngày 01/01/2009. Tại thời điểm người viết bài này thì chính phủ đang trình dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân. Sau khi có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành thì sẽ có thể có các Thông tư của Bộ tài chính hướng dẫn chi tiết hơn. Các thông tư số 81 và 12 sẽ đồng thời hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009.

Do tại thời điểm viết bài này Luật thuế TNCN chưa có hiệu lực thi hành nên người viết chủ yếu dẫn chứng các quy định tại Pháp lệnh số 14, thông tư 81 và thông tư 12, các thay đổi được điều chỉnh từ ngày 01/01/2009 chúng tôi sẽ có bài viết riêng.

2. Chức năng, vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Mục tiêu của việc ban hành và áp dụng Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, sau này là Luật thuế thu nhập cá nhân là:

· Góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước:

Sự giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại nên thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người của cá nhân ngày càng tăng từ đó thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế tỷ trọng thu thuế TNCN trong tổng thu ngân sách của nhiều quốc gia đã phản ánh tiến trình đó, tại các nước khối ASEAN: 5-10%, các nước phát triển có tỷ trọng 15-16% có nước đạt tới tỷ trọng 30- 40% như Anh, Mỹ. Tại Việt Nam, mới tiếp cận chính sách thu và còn phân tán ở nhiều sắc thuế nhưng cũng đã có kết quả tăng trưởng thu khá lớn trong những năm gần đây: năm 1991 thu theo chính sách thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao là 62 tỷ, thì đến năm 2000 thu được 1.832 tỷ và đến năm 2005 số thu đã đạt 8.300 tỷ. Tuy vậy tỷ trọng thu cũng mới chỉ đạt khoảng 5% tổng thu ngân sách.

· Góp phần thực hiện công bằng xã hội:

Thông thường, thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh vào thu nhập cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, không đánh thuế vào những cá nhân có thu nhập vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Thêm vào đó khi thu nhập cá nhân tăng lên thì tỷ lệ thu thuế cũng tăng thêm. Ở nhiếu nước còn có quy định miễn, giảm thuế cho những cá nhân mang gánh nặng xã hội.

Ở nước ta hiện nay, thu nhập của các tầng lớp nhân dân có sự chênh lệch nhau, số đông dân cư có thu nhập còn thấp, nhưng cũng có một số cá nhân có thu nhập khá cao, nhất là những cá nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khu chế xuất hoặc có một số cá nhân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân chưa mang lại số thu lớn cho ngân sách Nhà nước, song xét trên phương diện công bằng xã hội và phương diện công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước thì thuế thu nhập cá nhân có vị trí cực kỳ quan trọng, do đó việc điều tiết thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao là cần thiết, đảm bảo thực hiện chính sách công bằng xã hội.





II. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, THU NHẬP CHỊU THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

1. Ðối tượng nộp thuế.

Các cá nhân là công dân Việt Nam ở trong nước hoặc đi công tác, lao động ở nước ngoài, cá nhân khác định cư tại Việt Nam có thu nhập đến mức phải chịu thuế theo quy định của pháp luật đều là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân khác định cư tại Việt Nam là người không mang quốc tịch Việt Nam, nhưng định cư không thời hạn tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

2. Thu nhập chịu thuế và không chịu thuế.

2.1 Thu nhập chịu thuế.

Ðối tượng chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bao gồm thu nhập thường xuyên và thu nhập không thường xuyên.

· Thu nhập thường xuyên: được hiểu là các khoản thu nhập phát sinh thường xuyên, có tính chất đều đặn và ổn định trong năm và có thể dự tính được, gao gồm:

i) Các khoản thu nhập dưới các hình thức tiền lương, tiền công, tiền thù lao, bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ, lương ca 3, lương tháng thứ 13 (nếu có); tiền phụ cấp; tiền trợ cấp thay lương nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội; tiền ăn trưa, ăn giữa ca (nếu nhận bằng tiền);

ii) Tiền thưởng tháng, quý, năm, thưởng đột xuất nhân dịp ngày lễ, tết, ngày thành lập ngành, thưởng từ các nguồn, dưới các hình thức: tiền, hiện vật;

iii) Thu nhập do tham gia dự án, hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, hội đồng quản lý, hội đồng doanh nghiệp;

iv) Tiền bản quyền sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, tác phẩm; thu nhập về tiền nhuận bút;

v) Các khoản thu nhập của các cá nhân không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như: thu nhập từ dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ tin học, dịch vụ tư vấn, thiết kế, kiến trúc, đào tạo; hoạt động biểu diễn, tổ chức biểu diễn; quảng cáo; hoạt động thể dục thể thao; dịch vụ đại lý; thu nhập từ hoa hồng môi giới; dịch vụ khác;

vi) Các khoản thu nhập không tính trong tiền lương, tiền công được chi trả hộ như tiền nhà, điện, nước; riêng tiền nhà tính theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế trong trường hợp này căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích của căn nhà và cũng được tính tối đa 15% tổng thu nhập chịu thuế. Trường hợp chứng từ chi trả tiền nhà có cả tiền ăn, tiền phục vụ thì số thực tế chi trả hộ chỉ tính trên tiền nhà.

vii) Các khoản thu nhập khác mà cá nhân được hưởng từ cơ quan chi trả thu nhập.

· Thu nhập không thường xuyên: là các khoản thu nhập phát sinh theo từng lần, từng đợt riêng lẻ, không có tính chất đều đặn, bao gồm:

i) Thu nhập về chuyển giao công nghệ (trừ trường hợp biếu, tặng) bao gồm:

- Chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, xuất xứ hàng hoá, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và nhãn hiệu hàng hóa đang trong thời hạn được pháp luật Việt Nam bảo hộ và được phép chuyển giao.

- Chuyển giao các bí quyết về công nghệ, kiến thức dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, phần mềm máy tính (được chuyển giao theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ), thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao có kèm hoặc không kèm theo máy móc thiết bị.

- Chuyển giao các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ.

- Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để bên nhận có được năng lực công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm và/hoặc dịch vụ với chất lượng được xác định trong Hợp đồng bao gồm:

+ Hỗ trợ trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị nhằm áp dụng công nghệ được chuyển giao;

+ Tư vấn quản lý công nghệ, tư vấn quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao;

+ Đào tạo huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý của công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý để nắm vững công nghệ được chuyển giao.

ii) Trúng thưởng xổ số dưới các hình thức, kể cả trúng thưởng khuyến mại.

2.2 Thu nhập không chịu thuế.

Các khoản thu nhập sau đây sẽ không thuộc diện chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao:

i). Các khoản phụ cấp do Nhà nước Việt Nam quy định áp dụng đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam:

i.1). Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những nghề hoặc công việc ở những nơi có điều kiện độc hại, nguy hiểm;

i.2). Phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt đối với những nơi xa xôi hẻo lánh, khí hậu xấu, vùng kinh tế mới, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện khó khăn (không bao gồm phụ cấp xa Tổ quốc của người nước ngoài);

i.3). Phụ cấp đặc thù của một số ngành nghề theo quy định của Nhà nước;

i.4). Phụ cấp lưu động áp dụng với một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở;

i.5). Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức;

i.6). Phụ cấp thâm niên đối với lực lượng vũ trang, cơ yếu và hải quan; phụ cấp an ninh quốc phòng;

i.7). Phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước năm 1945;

i.8). Các khoản phụ cấp khác có nguồn chi từ ngân sách Nhà nước;

Mức chi các khoản phụ cấp bằng tiền được xác định theo quy định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành. Đối với người nước ngoài, số tiền phụ cấp được xác định trên cơ sở tiền lương cơ bản ghi trong hợp đồng và mức phụ cấp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chung cho mọi đối tượng.

ii). Tiền công tác phí là các khoản tiền trả cho phương tiện đi lại, tiền thuê phòng ngủ có chứng từ hợp lý, tiền lưu trú theo chế độ; trường hợp khoán công tác phí thì chỉ được trừ những chi phí trên;

iii). Tiền ăn định lượng theo chế độ quy định đối với một số công việc, một số nghề đặc biệt; bữa ăn tại chỗ, ăn trưa, ăn giữa ca (trừ trường hợp nhận bằng tiền);

iv) Các khoản trợ cấp xã hội của các đối tượng hưởng chính sách xã hội như: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công giúp đỡ cách mạng; trợ cấp khó khăn đột xuất, tiền trợ cấp hoặc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp giải quyết các tệ nạn xã hội; các khoản trợ cấp khác từ ngân sách nhà nước;

v). Tiền bồi thường bảo hiểm do tham gia bảo hiểm con người và tài sản;

vi). Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo chế độ Nhà nước quy định.

Trường hợp cá nhân được hưởng khoản trợ cấp khi thôi việc tại một đơn vị này để chuyển sang làm việc ở một đơn vị khác trong cùng một Công ty, Văn phòng Công ty đa quốc gia thì không áp dụng quy định này.

vii) Trợ cấp điều động về cơ sở sản xuất theo quy định của Nhà nước, bao gồm cả trợ cấp chuyển vùng một lần của người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam.

viii). Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh, các giải thưởng quốc tế, các giải thưởng quốc gia do Nhà nước Việt Nam tổ chức, công nhận;

ix). Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú và các danh hiệu khác được Nhà nước phong tặng; tiền thưởng hoặc chế độ đãi ngộ khác từ ngân sách Nhà nước;

x). Tiền nộp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương, tiền công của người lao động. Đối với người nước ngoài đã nộp khoản tiền theo chế độ bắt buộc ở nước ngoài có tính chất như tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Việt Nam thì phải xuất trình chứng từ chứng minh.

xi). Thu nhập của chủ hộ kinh doanh cá thể, của các cá nhân đã thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp;

xii). Các lợi ích được hưởng do cơ quan chi trả thu nhập thanh toán như: chi phí đào tạo nhân viên trả cho nơi đào tạo, chi vé máy bay về phép của người nước ngoài (là đối tượng nộp thuế), học phí cho con của người nước ngoài trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục tại Việt Nam thuộc các cấp giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông.

Ngoài các khoản thu nhập thuộc đối tượng chịu thuế hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế kể trên, còn một số khoản được coi là thu nhập đặc biệt và tạm thời chưa đưa vào đối tượng chiụ thuế: thu nhập về lãi tiền gửi ngân hàng, lãi tiền gửi tiết kiệm, lãi tiền cho vay vốn, lãi mua tín phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu, thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán, chênh lệch mua bán chứng khoán

Không có nhận xét nào: